Cứ tưởng sẽ không bao giờ phải nhìn một khuôn mặt phương phi cười cợt, như cố khoe hai hàm răng chắc khỏe dưới cái đầu láng mướt, cái cằm bạnh trên cái cổ áo thắt cà vạt đỏ chót.
Nhưng hôm kia tôi lại phải nhìn khuôn mặt ấy đi dự khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La. Đấy là khuôn mặt “nhà cách mạng lão” Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam trải hơn 82 năm có 9 người đã và đang làm Tổng bí thư.
Ông Trần Phú chỉ làm TBT 314 ngày, nhưng đã để lại bản “Luận cương chính trị” và lời nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Ông Nguyễn Văn Cừ làm TBT gần hai năm, đã vạch ra quyết sách đúng đắn chống tả khuynh, đề phòng hữu khuynh, và mới 28 tuổi để lại tác phẩm “Tự chỉ trích” đáng nhớ.
Ông Trường Chinh hai lần làm TBT, lần trước vạch đường lối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, lần thứ hai đặt nền móng cho công cuộc đổi mới.
Ông Lê Duẩn làm TBT 16 năm 101 ngày, là cha đẻ của “Đề cương cách mạng miền Nam”, cũng là người cảnh báo kẻ thù lâu dài và nguy hiểm của Việt Nam là bá quyền Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Linh làm TBT một nhiệm kỳ 5 năm, đã có một vai trò sáng giá trong cuộc phá bỏ nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp, mở đầu kinh tế thị trường, có “Những việc cần làm ngay” tháo gỡ kho khăn, cởi trói trí thức.
Ông Đỗ Mười làm TBT từ 1991- 1997, một quyền uy đủ sức răn đe.
Ông Lê Khả Phiêu làm TBT gần ba năm, làm được việc những người tiền nhiệm không muốn và không dám làm: dẹp bỏ một siêu cơ quan quyền lực là Ban cố vấn trung ương đảng, bớt đi một tầng nấc lãnh đạo quan liêu.
Bảy đời Tổng bí thư, bảy con người kể trên chưa ai hoàn hảo về tài năng, đức độ và nhân cách, nhưng mỗi người đều ghi một dấu ấn trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đề lại một chân dung đậm nét với tư cách người “công dân số 1” của Việt Nam.
Ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư hai nhiệm kỳ 9 và 10, với thời gian 9 năm 272 ngày, đứng thứ 3 về thời gian sau Lê Duẩn, Trường Chinh. Ngày 12-1-2011 ông đọc bài diễn văn cuối cùng, rồi 8 ngày sau đó ra về ,để lại một câu hỏi chưa có lời giải đáp: “Nông Đức Mạnh, ông là ai?”.
Ai cũng biết Nông Đức Mạnh không trải qua tù đày, chinh chiến, không phải trăn trở lo toan từ hạt gạo, hạt muối, manh áo, manh quần đến viên đạn cho người lính ngoài mặt trận, không phải nhọc lòng cúi mặt ngửa tay xin từng đồng viện trợ của nước ngoài. Ông bước thẳng từ cửa rừng vào con đường chính khách, làm Chủ tịch Quốc hội rồi nhảy phắt lên ghế Tổng bí thư trong giai đoạn kinh tế Việt Nam sung mãn nhất, chính thức bước vào sự nghiệp đổi mới. Sự mất cơ vận của Việt Nam nhất là khi bước vào sự nghiệp đổi mới lại có một Tổng Bí thư phát huy vai trò đảng lãnh đạo quá yếu; thêm sự kém tâm, thấp tầm, lại bảo thủ và nhiều điểm yếu khác.
Khi Nông Đức Mạnh làm chủ tịch Quốc hội, ông khá đĩnh đạc trong những phiên họp Đại biểu quốc hội, đặc biệt là điều hành những phiên chất vấn ở nghị trường. Bấy giờ nhiều người ca ngợi ông và loan truyền những tin đồn như huyền thoại, có người không giấu giếm rằng đây chính là một gương mặt kế thừa!? Chính vì thế một nhà báo nước ngoài đã hỏi thẳng Nông Đức Mạnh: “Có phải ông là con Hồ Chí Minh ?”. Nông Đức Mạnh trả lời: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ!”. Cái cách trả lời nước đôi có ý “bắt quàng” như vậy càng đẩy sự đồn đại đa chiều, phức tạp thêm. Thà nói thẳng ra bố tôi là Nông X cũng được! Và, có lẽ đấy cũng là một yếu tổ để ông thong dong bước lên vị trí số một của Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ khi làm Tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã đánh mất niềm tin mọi người dành cho ông.
Suốt hai nhiệm kỳ ông không chủ động đưa ra được một chiến lược, sách lược kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, và không có một tác phẩm lý luận đúng tầm mà với cương vị Tổng bí thư phải có. Ngược lại, chẳng những ông không sáng tạo mà không học thuộc bài của những người tiền nhiệm, cả về lý luận và thực tiễn.
Ông như một cái bóng mờ nhạt, có người gọi là “bù nhìn”, mọi việc khoán trắng cho Nhà nước, Chính phủ, còn ông đi thăm thú, điệu hạnh khắp nơi, chỗ nào cũng thuộc lòng để phát lên câu nói của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công”. Câu nói đó từ trẻ học sinh lớp 1 đến ông già ai chẳng thuộc. Nhưng đoàn kết với ai, đoàn kết thế nào, làm gì để thành công? Thì Nông Đức Mạnh không đưa ra được kế sách, quyết đoán nào thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền, thực thi dân chủ phát huy sức mạnh tòn dân tộc thế nào cũng mờ nhạt nhất so với 7 vị TBT tiền bối…Ngươi fta nói, suốt hai nhiệm kỳ Nông Đức Mạnh làm TBT, Chính phủ như phủ chúa Trịnh, còn Đảng như cung vua thời Lê mạt !
Tôi đã sưu tầm sách báo cố tìm ra một nét riêng cựu TBT Nông Đức Mạnh, một lời nói thể hiện cái tâm cái tầm, một hành động thể hiện bản lĩnh để có thể tự hào về ông, nhưng thất vọng. Đọc những bài diễn văn, những lời phát biểu và ngay cả những bài báo ký tên ông toàn thấy hình thức sáo rỗng.
Cụ Tổng Nông cứ nhắc đi nhắc lại phải học tập và làm theo Hồ Chủ tịch, nhưng hình như bản thân ông lại không thực hiện được những lời dạy của Hồ Chủ tịch.
Trong hai nhiệm kỳ của ông để lại một “dấu ấn” rõ nhất là sự xuống cấp về đạo đức của cán bộ lãnh đạo. Ông đã làm biến đổi chất lượng của một đảng cấm quyền. Việc mua quan bán chức, chạy quy hoạch cán bộ không còn là hiện tượng cá biệt mà trở thành phổ biến. Việc ban phát quyền lực theo kiểu “nhất thân nhì thế tam chế tứ tiền” trở thành cẩm nang hành động. Tiêu cực, tham nhũng nảy sinh và phát triển ngay ở thượng tầng kiến trúc và tạo thành một hệ thống che đậy cho nhau từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. Ai giới thiệu, ai nâng đỡ những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, những “con sâu” PMU 18? Chính là TBT Nông Đức Mạnh vào thời điểm xảy ra vụ việc đó. Ai tạo ra cái tiền lệ con nối ngôi cha? Đó chính là TBT Nông Đức Mạnh. Ộng ta tìm mọi cách đưa Nông Quốc Tuấn, một người con chỉ có cái vốn kiến thức mấy năm đi hợp tác lao đông ở nước ngoài vào Ban Thường vụ Trung ương đoàn, từ đó nhảy vùn vụt lên các nấc thang quyền lực.
Phải nói thẳng, cái gọi là “một bộ phận không nhỏ, suy thoái về chính trị, tha hóa về đạo đức lối sống” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, đã được hình thành và dung dưỡng suốt mười năm với hai nhiệm kỳ Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh.
Từ tháng 10 - 2010, Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương đảng khóa V-VI-VII đã viết đơn tố cáo những sai lầm và suy thoái đạo đức của ông Nông Đức Mạnh, trong đó có đoạn: “Là người nắm chức vụ cao nhất trong đảng, nhưng đồng chí Nông Đức Mạnh đưa con của đồng chí không đủ tâm đủ tầm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên, và có ý định đưa làm Bí thư Thứ nhất Trung ương đoàn, vừa mưu cầu danh vọng vừa dụng ý gây dựng lực lượng của mình lâu dài”.
Không chỉ riêng Trung tướng Nguyễn Hòa, mà cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều người lên tiếng, tố cáo ông vụ “Sáu Sứ”, “Năm Cam”… nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Nông Đức Mạnh đã lấy quyền Tổng bí thư ém nhẹm đi.
Những người bị tố cáo chẳng những không bị điều tra, xử lý một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai như điều lệ đảng mà trái lại, đươc trọng dụng. Vì dụ như Nông Quốc Tuấn được làm Bí thư Tỉnh ủy trước thềm đại hội XI của đảng, rồi giành một suất cơ cấu Ủy viên Trung ương đảng, mà dư luận cho rằng đó là sự mặc cả của Nông Đức Mạnh.
Người ngoài nói rất nhiều về sai trái, lỗi lầm của Nông Đức Mạnh đối với dân với nước, con ông lại “vạch áo cho người xem lưng” về nhân cách của một người cha, sự lừa đảo của bà dì là Đại biểu Quốc hội. Đọc lá thư của con gái ông gửi báo ‘Người cao tuổi’, tôi thấy xấu hổ thay cho ông.
Tất cả những điều tôi viết trên đây có lẽ góp được một phần nhỏ để trả lời câu hỏi: Nông Đức Mạnh - ông là ai? Cái lớn hơn, chính tôi cũng đang tìm câu trả lời là: Phải chăng Nông Đức Mạnh là người đã có công tạo những thuận lợi cho Trung Quốc nhảy vào tận ngã ba biên giới Đông Dương chiếm vị trí “thượng phong” về quân sự cả vùng để…khai thác Bauxte Tây Nguyên? Cả những khu rừng rộng lớn ở Lạng Sơn cho Trung Quốc thuê 50 năm chẳng lẽ không phải “anh thợ rừng, đội phó đội khai thác gỗ họ Nông” cho phép? Nhưng, từ 1991 váo Bộ Chính trị đến ngày 19-1-2011, suốt 20 năm hai khóa Chủ tịch Quốc hội, hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, ông đã làm được những gì có giá trị và để lại dấu ấn cho dân cho nước. Nhất là việc buông lỏng vai trò lãnh đạo, làm mất sức chiến đầu và hạ uy tín Đảng nhanh như vậy, để rồi đến Đại hội XI phải chỉnh đốn, phải giải quyết hậu họa do hai khóa IX và X để lại, lo gạn đục khơi trong không xong, với vai trò người đứng đầu, do ông hay do ai? Câu hỏi đó ông Mạnh phải trả lời, ông không trả lời thì lịch sử sẽ trả lời thay ông.
Nhân dân khắp các vùng miền đều biết “công lao” của Tổng bí thư đời thứ 8 Nông Đức Mạnh là 10 năm đứng đầu vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền đã kéo thụt lùi sự phát triển của đất nước cả trăm năm. Đến mức phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khoá trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay, Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó”.
Một điều người viết bài này cần phải rạch ròi với Nông Đức Mạnh: Khi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, ông nói: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ”, là một cách nói nước đôi, lấp lửng, không minh bạch và thiếu trung thực để ai hiểu thế nào thì hiểu, may có chút dính dáng trong dư luận nhằm phần nào đó giải quyết khâu oai chăng? Chẳng lẽ ông không biết cái cách trả lời lấp lửng thiếu trách nhiệm như thế với nhà báo nước ngoài vùa bất hiếu với ông bà, cha mẹ lại phạm thượng, công khai hạ uy tín Hồ Chủ tịch? Nhưng ông nói thế là không đúng. Tôi là một người Việt Nam, tôi khẳng định với ông rằng, tôi không phải là con cháu Bác Hồ. Tôi có ông bà cha mẹ đàng hoàng, sống trên mảnh đất Việt Nam, khi chết tôi theo ông bà cha mẹ tôi. Đó là sự thật.
Khổng Tử nói “Tu thân-tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”, Nông Đức Mạnh đến già chưa tu nổi cái thân mà giao cho ông ta những 20 năm trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ” thì thật là sai lầm.
Minh Diện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét