Về bài thơ Nhân dân (*)
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX là thời kỳ đất nước ta cực kỳ khó khăn. Đời sống của cán bộ công nhân rất vất vả. Vào những sáng chủ nhật, tôi thường đứng với mấy vị cán bộ nhà nước trò chuyện ở hành lang gác 5 khu nhà tập thể Quỳnh Mai. Và câu hỏi quen thuộc thường lặp đi lặp lại giữa chúng tôi là “Không biết sự cực khổ thế này đã đến đáy chưa?”. Nhưng đó cũng chính là thời kỳ đất nước ta rục rịch đổi mới, mở cửa trong tư tưởng và trong xuất bản. Lúc đó, tôi đang ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời sáng tác. Tôi hùng hục viết không ngoài mục đích kiếm tiền nuôi sống gia đình và bản thân…
Trong số các tác phẩm trong thời gian này có bài thơ Nhân dân. Bài thơ này tôi viết vào ngày 6/6/1988 nhưng khi đọc lại tôi cảm thấy bài thơ quá gai góc nên không dám gửi báo nào. Mãi đến năm 1990 khi thấy báo Văn Nghệ có cuộc thi thơ, tôi liều gửi đến. Nhưng rồi cũng không dám tin nó sẽ được in. Thế rồi bất ngờ, một buổi sáng khi tôi đang làm việc ở nhà máy đóng tàu Nam Triệu Hải Phòng thì thấy ông Hà giám đốc nhà máy từ ngoài đi vào vung vẩy tờ báo nói oang oang “Thế này mới là nhà thơ chứ. Nói đúng những điều ai cũng muốn nói”. Rồi ông xoè tờ báo ra vừa đọc oang oang vừa vỗ đùi đen đét.
Nhân dân khom lưng cấy lúa,
Ăn vội vàng miếng cơm quá nhỏ.
Để kịp giờ vào ca,
Cúi khom lưng cõng mọi chế độ.
Và ở trong những căn nhà bé nhất
Trong chiến tranh là người đi đầu,
Ngày hoà bình thì hưởng cuối.
Trong chiến tranh mở hết lòng mình để đón mọi người,
Hoà bình về chỉ xin một viêc làm đi đủ trăm cửa.
Nhân dân làm nên mọi việc tầy trời,
Nhưng bị bắt bẻ trong từng chữ kí.
Nghe ông đọc tôi cảm thấy những câu thơ hình như rất quen bèn rón rén đến xin mượn tờ báo và không tin vào mắt mình. Bài thơ của tôi in gần như nguyên văn trong trang thơ dự thi cùng với Ngô Minh, Nguyên Thông, Tạ Thị Kim Toàn và Mai Ngọc dưới đầu đề nguyên thuỷ “Coi như một tham luận thơ về nhân dân”. Tôi nói gần như nguyên văn vì trong khổ ba của bài thơ này tôi viết:
Hôm nay nhân dân vẫn bị tấn công…
… Bằng sự dối lừa và ngon ngọt.
Che đậy lòng tham của những “quan đồng chí” (trong nguyên văn tôi viết về những Tô Duy- một vị quan tham nhũng hồi đó do Nhà báo Trần Đình Bá phát giác)
Vơ vét và đục khoét,
Miệng vẫn lầm bầm “nhân dân”.
Mấy hôm sau tôi về khi tạt vào lấy nhuận bút và báo biếu. Gặp tân Tổng Biên tập Hữu Thỉnh mới về thay nhà văn Nguyên Ngọc, ông hơi cau mày nhìn tôi nói “bài thơ của chú làm anh vất vả quá, nhưng giờ thì ổn rồi”. Tôi không dám hỏi ông vì sao, nhưng sau nghe anh em bên báo Văn nghệ kể lại là bác Trần Độ cho thư ký của bác xuống khen bài thơ này nên mọi sự bình yên. Riêng tôi lại nghĩ bài thơ này “tai qua nạn khỏi” một phần cũng vì những câu kết về mặt thời sự rất đúng với Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng (khóa XI) vừa qua:
Hãy bảo vệ nhân dân,
Như xưa kia nhân dân bảo vệ Đảng.
Niềm tin đi qua sẽ trở về,
Khi Đảng hiện ra đúng như dân mong ước. …
Quỳnh Mai đầu tháng 8/2013
(*) Đầu đề của blog
(*) Đầu đề của blog
Hay quá. Thờ thơ còn rất nguyên giá trị...Em xin bài này gửi cho bạn nhé!
Trả lờiXóaBài thơ viết từ thời ấy mà ngôn từ, ý tư thế này quả là rất táo bạo. May mà "tai qua nạn khỏi" như nhà thơ nói..
Trả lờiXóaSang thăm chị được biết một bài thơ rất tuyệt.Những ngày đó mà nhà thơ đã dám viết bài thơ " Nhân dân", quả thật ông là một người rất dũng cảm.
Trả lờiXóaChúc chị cả tuần vui nhé.
Nhà thơ dung cảm và phản ánh đúng hiện thực.Còn tướng TRẦN ĐỘ THÌ RẤT SÁNG SUỐT và hơn cả dung cảm. Rất tiếc là trong những ng mang danh QLcó kẻ....xúc phạm ông.
Trả lờiXóa