Lời Nguyệt Ánh : Hưởng ứng việc xuất bản sách của K5, tôi xin gửi đến Ban Biên tập 3 bài, xếp theo số thứ tự ưu tiên 1,2,3 để BBT tự ý lựa chọn.
Bài 1 : TÂM SỰ NGÀY TẾT
Bài 2 : ĐẶNG NGUYỆT ÁNH - TỰ CHUYỆN
Bài 3 : KỶ NIỆM VỀ NGÀY GIẢI PHÓNG 30/4/1975
Tôi để nguyên các ảnh như đã đăng trên Blog. Đề nghị BBT xóa bớt cho khỏi dài và nặng. Tôi cũng đăng lại 3 bài này lên 3 Entry trong Blog này với mong muốn các bạn sẽ xem và góp ý cho tôi. Xin chân thành cảm ơn.
(Nguyệt Ánh)
Tết đã qua rồi, nhưng hôm nay tôi lại muốn được trao đổi với các bạn những ý nghĩ của mình về cái Tết. Tôi nghĩ rằng ai cũng đón tết nhưng mỗi người đón tết một cách khác nhau với những suy nghĩ khác nhau và tâm tư khác nhau. Nếu ai đó đặt câu hỏi : Tết là gì ? thì bạn sẽ trả lời thế nào. Còn tôi câu trả lời sẽ là : Tết là một ngày Giỗ lớn .
Cảm nhận của tôi về ngày tết là như thế và tôi biết rất rõ rằng tôi đã có được cảm nhận này là từ Ba tôi.
Mẹ tôi mất ở Huyện Chiêm Hóa Tỉnh Tuyên Quang, ngày 18-5-1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ được ít lâu. Lúc này cơ quan đang chuyển dần về Tuyên Quang để chuẩn bị về tiếp quản Thủ Đô. Ba đang đi dự lớp chỉnh huấn, đây là lớp chỉnh huấn cuối cùng của cán bộ cao cấp ở Việt Bắc. Hôm đó Mẹ thấy mệt, lên giường nằm rồi mê man luôn. Bốn ngày sau Ba mới nhận được tin báo khẩn cấp và người liên lạc chở Ba trên xe đạp một ngày sau mới về đến nhà. Ba hết sức cứu chữa mà không cứu được Mẹ. Bà đã mất sau 6 ngày mê man bất tỉnh và sau đúng 24 giờ từ khi Ba tôi về đến nhà. Đấy là bà chờ ông để được gặp ông lần cuối. Cả cuộc đời me tôi là một chuỗi ngày chờ đợi để được gặp Ba tôi. Ba tôi đi sang Nhật để nghiên cứu về Nấm và Vi trùng từ năm 1943 khi em gái tôi mới được một tháng tuổi. Suốt 6 năm trời me tôi một mình nuôi 3 con nhỏ và chờ đợi Ba tôi trở về. Rồi đột ngột bà nhận được tin Ba tôi đã trốn khỏi Nhật, nhưng không về Hà Nội, cũng không về Huế mà về với chính phủ Kháng chiến ở Việt Bắc. Chẳng biết Việt Bắc là ở đâu, đường đi đến đó gian nan vất vả thế nào chỉ biết rằng phải đi ngay đến đó để gặp Ba. Thế là một nách 3 đứa con nhỏ Mẹ rời Huế lên đường ra Việt Bắc. Không thể nói hết được nỗi cực khổ mà Mẹ phải chịu đựng trên con đường đi tìm Ba. Tôi và em Quý thì có lúc được gánh được cõng còn Me và anh Minh thì trèo đèo, lội suối, khi đi khi chạy, khi lê lết từng bước tất cả chỉ bằng đôi chân của mình. Thế rồi sau 6 tháng trời, một khoảng thời gian tưởng như dài vô tận, cuối cùng chúng tôi đã gặp Ba. Đó là vào cuối năm 1950, bắt đầu những ngày sống hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Ba tôi say sưa nghiên cứu và đã thành công trong việc sản xuất nước lọc Penicilin. Ba làm việc ngày đêm trong phòng thí nghiệm, để được gần Ba, Me cũng xin đi làm và trở thành nhân viên bào chế trong phòng thí nghiệm của Ba.
Ba tôi có óc thẩm mỹ lại thừa hưởng nghề xem địa lý của ông nội tôi nên ông đã tìm được một ngọn đồi rất đẹp để xây dựng nơi làm việc và nơi ở của mình. Nơi đây có phòng thí nghiệm Penicilin, có xưởng bào chế ở ngay sát bờ suối. Phía bên kia là nhà của tập thể và ngôi nhà của gia đình tôi. Nhà dựng bằng tre nứa nhưng rất đẹp đẽ, chắc chắn và thoáng mát. Ba me tôi say sưa làm việc và vui với cuộc sống kháng chiến. Me tôi tiến bộ rất nhanh, được cử làm cán bộ Công Đoàn, được đi dự lớp chỉnh huấn và trở về tổ chức chỉnh huấn cho anh em cán bộ công nhân viên và thương bịnh binh trong Bệnh Viện. Năm 1952 anh Minh tôi đi TQ và năm 1953 tôi cũng đi theo anh tôi. Không phải bận rộn nhiều với con cái, me tôi càng có nhiều thời gian cho công việc. Bà được bầu là chiến sỹ thi đua của ngành Giáo Dục. Bà được mọi người yêu mến kính trọng và điều hạnh phúc lớn lao nhất là Bà được sống bên người chồng thân yêu sau bao năm xa cách, được giúp chồng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà ông đã nguyện cống hiến cả cuộc đời mình.. Nhưng thời gian Hạnh phúc đó quá ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có 4 năm. Sắp Hòa Bình, sắp cùng chồng con trở về Thủ Đô thì me tôi đột ngột ra đi.
Ảnh Ba Me tôi chụp ở Hà nội năm 1936 và ở Việt Bắc năm 1952
Me tôi mất là một sự mất mát lớn lao, một sự đau đớn không có gì bù đắp được đối với Ba tôi. Đau thương đó ông chịu đựng một mình còn bề ngoài thì vẫn bình tĩnh, can đảm để giữ vững tinh thần cho bà ngoại tôi, cho người thân và nhất là em gái tôi là Nguyệt Quý, em đã gần như khiệt sức vì đau đớn. Để có thể chịu đựng được một mình, ông bắt đầu viết nhật ký. Quyển sổ đề : Ngày ngày nói chuyện với Em Cung. Ba tôi là người rất kín đáo, rất ít nói, rất ít tâm sự với con cái. Nhưng nhờ quyển sổ này mà tôi đã biết được tình cảm của Ba tôi với me tôi nó sâu nặng đến thế nào và tại sao Me tôi mất đi khi Ba tôi mới tròn 44 tuổi nhưng ông đã ở vậy chứ không hề có ý định đi lấy vợ.
Ba Me tôi cưới nhau năm 1936 cho đến lúc Me tôi mất vào năm 1954 là 18 năm nhưng thời gian được sống bên nhau vẻn vẹn chỉ có 11 năm. Cả cuộc đời cho đến lúc mất ông đã sống một mình nhưng như là luôn có Me tôi bên cạnh. Trên bàn thờ trong buồng ngủ cạnh giường , Ba treo tấm ảnh Me. Vẫn là tấm ảnh Ba luôn đặt trên bàn làm việc trong những năm ông sống một mình ở Nhật. Trên bàn có lọ hoa và một lư hương nhỏ. Ông thường thắp hương và cắm hoa lên bàn thờ trước mỗi lần đi xa hay trở về nhà sau những chuyến công tác.
Việc quan trọng và thích thú nhất của ba tôi là trang hoàng bàn thờ cho Me vào ngày Tết và ngày Giỗ.
Trên bàn thờ lúc nào cũng có 2 loại hoa là Hoa Huệ và Hoa Hồng một đĩa hoa quả và tôi nấu xôi chè để cúng Me. Me tôi thích chè hạt sen và chè đậu xanh đánh. Chỉ có thế thôi chứ không bao giờ cúng cơm và đồ ăn mặn. Thói quen mà Ba tôi thích nhất là thắp hương rồi đóng kín cửa và nằm ngủ để thưởng thức mùi hương hoa thơm ngát trong không khí rất linh thiêng.
Ngôi mộ của Me tôi ở Chiêm Hóa cũng được ba tôi thường xuyên chăm sóc rất chu đáo. Ngôi mộ đầu tiên ba làm cho me nằm ngay trước sân nhà trên đồi Penicilin. Những năm sau đó khi đã về sống ở Hà nội năm nào ông cũng trở về Chiêm Hóa để thăm mộ. Năm 1958 lần đầu tiên Ba đưa cả 3 anh em chúng tôi lên thăm mộ, lần đó Ba đã chuyển xi măng, gạch cát lên xây lại mộ cho me thật đẹp và vững chắc. Vì công tác tiêu diệt sốt rét cho các tỉnh miền núi ba có điều kiện lên Chiêm Hóa thường xuyên ( Chiêm Hóa cách Tuyên quang 80 Km) còn chúng tôi thì chỉ theo Ba lên đó vào kỳ nghỉ hè. Vì không muốn phiền lái xe nên chưa năm nào lên thăm Me vào dịp tết. Chỉ có một lần duy nhất, lần cuối cùng Ba lên thăm me. Lần đó là vào một ngày giáp tết. Chính xác là ngày 26 tết Bính Ngọ, năm 1967. Tôi được thủ trưởng đơn vị cho nghỉ phép đặc biệt để về thăm Ba. Về đến nhà đã thấy Ba và anh Minh đang đợi để lên xe đi thăm mộ Me. Xe chạy đến nhà Bác Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, hôm nay Bác Thạch mở tiệc để các bác trong lãnh đạo bộ tiễn Ba tôi lên đường đi B. Ba tôi vào chào và xin lỗi mọi người phải đi ngay để còn kịp quay về để ngày mai tập trung lên đường. Chúng tôi đi suốt đêm hôm đó đến sáng sớm thì tới nơi. Thật là may mắn và chắc là có Me phù hộ nên mới đi được tới nơi. Nhiều chỗ phà không chở, tất cả các xe đều phải đi sơ tán nhưng chiếc xe Commanca của Ba thì vẫn được cho qua. Chúng tôi phát cây cối, dọn dẹp mộ Me. Đứng trước mộ Ba nói với Me và chúng tôi. Lần này vào nam ba sẽ dừng lại ở Thừa Thiên để làm việc. Đến cuối năm Ba sẽ ra rồi sẽ vào lại và đi tiếp vào sâu hơn. Lúc ra Ba sẽ lên thăm Me. Như thường lệ Ba đi thăm mấy cụ Ké người dân tộc nhưng rất nhanh và rất vội rồi xe quay về. Cả đời tôi sẽ còn ân hận và không thể tự tha thứ về sự Vô Tâm của mình. Chắc là vì quá mệt mỏi sau hai đêm gần như thức trắng. Trên xe ô tô thay vì phải tranh thủ để được nói chuyện thật nhiều với Ba, tôi đã lăn quay ra mà ngủ. Ba đưa tôi về đơn vị ở Phú Thọ. Từ cổng gác vào đến lán tôi ở còn 2km nhưng Ba tôi đã xuống xin với các chú cảnh vệ để cho xe đi qua và chạy thẳng đến tận nơi. Ba đánh thức tôi dậy và chia tay với tôi. Ba hôn tôi lên trán, cái hôn cuối cùng của Ba, còn tôi thì thậm chí không nói được một lời chia tay với Ba hay chúc Ba đi đường Bình An.. Ba tôi về Hà Nội và ngày hôm sau 28 tết Đoàn đi B của Ba tôi xuất phát từ Hòa Bình vào lúc 16 giờ 10 phút. Sau khi Ba tôi mất, Mộ ba tôi được đưa về Nghĩa Trang họ Đặng trên núi Ngự Bình, Thành phố Huế. Chúng tôi cũng chuyển mộ Me và em Quý về đó.
Mộ Ba nằm giữa bên trái là mộ Me, bên phải là mộ Em
Bây giờ Ba Me tôi đã lại được gặp nhau và vĩnh viễn nằm cạnh bên nhau. Năm nào tôi cũng vào Huế một lần để thăm mộ, nhưng chỉ có năm nay là đặc biệt nhất, tôi được thăm Ba Me và Em vào ngày tết. Đó là một niềm vui đặc biệt và hiếm có trong ngày tết của tôi.
Thăm Mộ vào Tết Canh Dần
Tôi thường tâm sự với bạn bè, tôi chưa bao giờ có niềm vui và sự háo hức đón tết như mọi người. Ngày tết tôi thấy rất buồn, trước đây khi còn Ba thì ngày tết tôi cùng Ba làm bàn thờ cho Me. Sau này một mình tôi làm bàn thờ cho cả Ba Me và em Quý. Cả những năm ở Đức hay ở liên Xô, tết đến tôi cũng làm bàn thờ rồi ngồi bên bàn thờ viết thư hay viết nhật ký để đón giao thừa chứ không bao giờ đi dự liên hoan đón chào năm mới với mọi người.
Từ khi có Blog tôi đã tìm thấy niềm vui mới. Giao thừa đến, tôi thắp hương lên bàn thờ, cúng ngoài trời xong là vào Blog chúc tết thầy cô và bạn bè. Tôi không cảm thấy cô đơn và buồn như trước nữa. Cảm ơn Blog, cảm ơn các bạn.
Một bài tâm sự rất dài, rất lộn xộn. Tôi xin lỗi đã làm phiền và cám ơn ai đã đọc hết những điều tôi viết. ( Nguyệt Ánh )
------------------------------------------
Nguồn : Blog Nguyệt Ánh
Mời đọc bản gốc và nhiều comments trong Blog Nguyệt Ánh
Một kỷ niệm buồn xin chia sẻ cùng chị,chị Ánh tự hào vì có ba mẹ đã hy sinh cho sự nghiệp của đất nước.Qua thăm chị đọc những dòng tâm sự em rất hiểu tâm trạng của chị khi nhắc tới những kỷ niệm ấy,chúc chị tuần mới vui.
Trả lờiXóaChị cám ơn em đã đọc, thông cảm và chia sẻ với chị. Chị chúc em luôn Vui, khỏe và hạnh phúc em nhé.
XóaTôi xin thành thật xin lỗi các bạn. Vì phải sửa đăng lại cả 3 bài và không chú ý nên tôi đã làm mất các Comment của bạn bè đã viết. Tôi rất ân hận và rất tiếc. Mong các bạn không giận tôi mà viết lại cho tôi comment khác. Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trả lờiXóaGhé thăm chị được đọc một câu chuyện tình thật hay, cảm động lắm chị ơi. Ba Me của chị thật tuyệt vời, tình cảm vợ chồng thật sâu sắc và thủy chung, em vô cùng ngưỡng mộ tài đức của Ông Bà.
Trả lờiXóaNgôi mộ của gia đình chị ở Huế đẹp và hoành tráng, mong có ngày em được gặp chị trên đất Huế (em gốc Huế đó chị) hay ở Hà Nội, Sài Gòn, Phan Thiết.
Chúc chị khỏe vui và hạnh phúc.
Gia đình Ánh, Ba Ánh, các cô dì... Trâm đều biết, chỉ Me Ánh là Trâm tưởng tượng và hình dung ra thôi. Nhưng tình cảm gia đình Ánh luôn đằm thắm và sâu sắc. Có các con, các cháu quấn quýt... Ánh sẽ sống thảnh thơi hạnh phúc nhé.
Trả lờiXóaChị nhớ giỏi quá các sự kiện, em rất phục chị. Chị đã có và đang có một gia đình tuyệt vời. Chúc chị mãi mãi vui khỏe bên con cháu. / Mộ các cụ đẹp quá chị ạ, em thật bất ngờ khi được chiêm ngưỡng /.
Trả lờiXóa