Trang

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Quan chức và từ chức

Sự phát triển của Hàn Quốc, ngoài những lý do vĩ mô liên quan đến thể chế, thì một trong những lý do là những người đứng đầu của đất nước họ rất có trách nhiệm với việc mình làm. Nếu không làm được đến nơi đến chốn thì họ sẽ từ nhiệm để bảo toàn danh dự.
Những ngày này truyền thông quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt đối với vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc, làm hơn 300 người chết và mất tích.
Sự chú ý của truyền thông không chỉ bởi đây là một tai nạn hàng hải đau lòng, mà còn bởi cách ứng xử của người Hàn Quốc trong thảm họa.
văn hóa từ chức, Thủ tướng Hàn Quốc
Theo: Ngọc Diệp/ Dân trí
Cả nước Hàn Quốc cảm thấy có lỗi vì bất lực trước nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Hàn Quốc đã từ chức. Ông nói: “Thay mặt chính phủ, tôi xin lỗi vì đã để xảy ra nhiều vấn đề, từ việc ngăn cản tai nạn xảy ra, đến việc xử lý thảm họa trong thời gian đầu”.
Trước đó vài ngày, Hiệu phó Kang Min Kyu của trường cấp 3 Danwon, nơi có 325 học sinh khối 11 trên chuyến phà này, đã tự tử và để lại một bức thư tuyệt mệnh, bày tỏ sự dằn vặt khi mình sống sót còn các học sinh lại thiệt mạng. Ông đã nhận trách nhiệm với tư cách người khởi xướng chuyến dã ngoại này.
So với câu chuyện về dịch sởi làm chết hơn 100 trẻ diễn ra trong cùng khoảng thời gian, hoặc vụ tiêm vắc-xin Quinvaxem, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động… gây chết người khác ở Việt Nam, thì những người có trách nhiệm ở Hàn Quốc hành xử khác hẳn. Vì sao vậy?
Còn nhớ, trong thời gian theo học ở Hàn Quốc trước đây, một trong những câu hỏi tôi băn khoăn nhiều là vì sao họ phát triển nhanh như vậy, khi chỉ vài chục năm trước thôi, họ cũng vừa thoát khỏi chiến tranh như mình, từ cùng mức xuất phát điểm như mình, cả trong kinh tế lẫn văn hóa?
Ngoài những lý do vĩ mô liên quan đến thể chế, đặc biệt là sự chuyển mình từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ đã gieo mầm tác phong và chuẩn mực lãnh đạo mới, thì một trong những câu trả lời mà tôi nhận được là những người đứng đầu của đất nước họ rất có trách nhiệm với việc mình làm. Nếu không làm được đến nơi đến chốn thì họ sẽ từ nhiệm, thậm chí tự sát để bảo toàn danh dự.
Trách nhiệm này không chỉ dừng ở việc đảm bảo chất lượng công việc, mà còn ở việc làm gương cho người khác noi theo.
Càng lên cao thì sự làm gương này càng có ý nghĩa lớn và càng được nhấn mạnh. Có lẽ các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc biết rõ một nguyên tắc của việc trị quốc: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vì thế, làm gương đã trở thành một nguyên tắc lãnh đạo.
Khi không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc thấy rằng mình chưa làm hết trách nhiệm, do sơ suất hay do thiếu năng lực, họ sẽ chủ động từ nhiệm. Việc này không chỉ giúp bảo vệ danh dự cá nhân, giữ uy tín cho bộ máy công quyền, mà còn như một sự làm gương cho các thế hệ kế tiếp noi theo.
văn hóa từ chức, Thủ tướng Hàn Quốc
Sự kiện Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won bất ngờ tuyên bố đệ đơn xin từ chức đã gây chấn động
Điều này lại một lần nữa được chứng minh trên thực tế trong vụ chìm phà Sewol. Đây là một thảm họa ngoài dự kiến của chính phủ Hàn Quốc.
Họ đã và đang tiếp tục cứu hộ cứu nạn, với nguồn lực cao nhất, ròng rã trong nhiều ngày trời. Nhưng kết quả không như mong đợi, vì sự chậm trễ của một số người ở lúc khởi đầu, và vì các lý do khách quan như các dòng hải lưu rất mạnh và bùn đất đã ngăn cản việc cứu hộ.
Thủ tưởng Hàn Quốc đã nhận trách nhiệm bằng cách từ nhiệm. Còn thầy hiệu phó thì nhận trách nhiệm bằng chính mạng sống của mình.
Nhìn xa hơn,  vào năm 2009, cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã nhảy núi tự sát vì cáo buộc tham nhũng liên quan đến mình và các thành viên trong gia đình. Ông đã tự sát để nhận trách nhiệm: “Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền các bạn”.
Vậy thì vì sao những người Hàn Quốc này lại từ chức hoặc tự sát như vậy? Câu trả lời là thông qua đó họ nhận trách nhiệm vì đã để xẩy ra những việc này, dù trong nhiều trường hợp, đó là những việc ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nhưng sâu xa hơn, câu trả lời sâu xa hơn là vì họ có lòng tự trọng. Với các nhà lãnh đạo, tài năng là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải biết xấu hổ.  
Trước các vụ việc gây bức xúc xã hội, người dân không cần các vị phải làm đầy tớ của nhân dân, cũng không (đến mức) cần các vị phải tự sát như thầy hiệu phó trường Danwon hay cựu tổng thống Roh Moo-hyun, chỉ cần các vị làm người bình thường, biết xấu hổ và có chút lòng tự trọng để nhận lãnh trách nhiệm và để dừng lại khi cần thiết.

3 nhận xét:

  1. Ở nước họ< trách nhiệm cá nhân khi làm việc. Còn bên ta: Quốc hội là dân, chính phủ là dân, cái người đứng đầu chỉ đứng đầu khi vơ quyền và lợi, còn trách nhiệm thuộc về dân, " đán làm sai. Kỷ luật ai?" "Từ chức ( chặt chém ) hêt, lấy ai làm việc?..."
    Lời "vàng " còn một đống đáy mà chị.

    Trả lờiXóa
  2. Các vị lãnh đạo ở nước ta chưa học được hai chữ "Xấu hổ", mà chỉ tâm niệm cụm từ "Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi". Vừa rồi bộ trưởng bộ y tế còn tuyên bố hùng hồn trên báo là "Tôi chưa có ý định từ chức", qua đây thấy rõ-họ không có trách nhiệm gì với với dân, đuổi còn không chịu đi thì làm gì biết XẤU HỔ.

    Trả lờiXóa
  3. Bộ trưởng còn đang phải chỉ đạo để cứu bằng được mấy chục em bị sởi còn đang nguy kịch nên nếu từ chức lúc này thì ai cứu các em đây?....Thật buồn cười....

    Trả lờiXóa