"Chúng ta đã đặt một nền tảng mới. Giờ nhiệm vụ của chúng ta là vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn. Hãy bắt đầu chương mới này - cùng nhau - và hãy bắt đầu ngay bây giờ".
Trân trọng mời quý độc giả đón đọc.
Thông điệp Liên bang năm nay được chờ đợi vì đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trình bày các chương trình nghị sự và các đường hướng chính sách của chính phủ trước Quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát.
Nó cũng hứa hẹn sẽ đề cập đến nhiều vấn đề lớn trong cả đối nội lẫn đối ngoại của chính phủ Mỹ năm 2015.
Chúng tôi sẽ tường thuật trực tiếp toàn bộ nội dung Thông điệp, kèm theo đó là các nhận xét, bình luận của nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao tên tuổi của Việt Nam và Mỹ mà chúng tôi kết nối.
Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, Phó Tổng thống, các thành viên Quốc hội, cùng toàn thể công dân Mỹ,
Thế kỷ mới đã đi được 15 năm. Đó là 15 năm với những vụ khủng bố xảy ra tại chính quê hương chúng ta, 15 năm với 2 cuộc chiến tranh dài hạn với nhiều mất mát mà thế hệ mới của chúng ta đã phải trải qua, 15 năm với một cuộc suy thoái kinh tế lan rộng khắp đất nước cũng như trên toàn thế giới. Đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn đối với nhiều người.
Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ bước sang trang mới.
Đêm nay, sau một năm đột phá với nước Mỹ, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển và tạo công ăn việc làm ở mức cao nhất kể từ năm 1999.
Tỷ lệ thất nghiệp đã thấp hơn so với trước thời kỳ khủng hoảng. Trẻ em đi học có tỷ lệ tốt nghiệp ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ngày càng nhiều người Mỹ đã có bảo hiểm đầy đủ.
Chúng ta đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn dầu khí nước ngoài một cách tốt nhất trong hơn 30 năm qua.
Đêm nay, lần đầu tiên kể từ vụ khủng bố 11/9, nhiệm vụ quân sự của chúng ta tại Afghanistan đã kết thúc. 6 năm trước, gần 180.000 quân Mỹ đã có mặt tại Iraq và Afghanistan.
Đến thời điểm này, con số đó chỉ còn 15.000. Chúng tôi không quên sự dũng cảm và hy sinh của những người chiến binh của Thế hệ 11/9, những người đã chiến đấu để bảo vệ sự an toàn của chúng ta. Chúng tôi rất biết ơn các bạn.
Nước Mỹ, sau tất cả những gì chúng ta đã phải trải qua, sau sự kiên trì và chăm chỉ cần thiết để chúng ta có thể hồi phục, và với những nhiệm vụ phía trước, các bạn hãy nhớ lấy điều này:
Bóng ma của cuộc khủng hoảng đã ở lại phía sau, và nước Mỹ vẫn vững mạnh (the State of the Union is strong - câu nói "cửa miệng" của các vị Tổng thống trong các bài Thông điệp Liên bang hàng năm - PV).
Vào thời điểm này, với một nền kinh tế đang tăng trưởng, những khoản nợ giảm dần, một nền công nghiệp năng động, và một nền sản xuất năng lượng phát triển hơn bao giờ hết - chúng ta đã trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng để tự kiểm soát lấy tương lai của chúng ta với một sự tự do mạnh hơn bất cứ quốc gia nào trên Trái đất.
Đây là lúc chúng ta quyết định số phận của mình trong 15 năm tới, và trong nhiều thập kỷ sau đó.
Liệu chúng ta có chấp nhận một nền kinh tế mà chỉ một vài người trong chúng ta được lợi lớn?
Hay liệu chúng ta nên tập trung công sức vào sự phát triển của một nền kinh tế sẽ đem lại thu nhập và cơ hội một cách công bằng đối với mỗi người?
Liệu chúng ta có nên tiếp cận với thế giới bên ngoài một cách sợ sệt và đối phó, bị cuốn vào những cuộc giao tranh khiến quân đội chúng ta suy yếu và làm giảm vị thế của nước Mỹ?
Hay liệu chúng ta nên tận dụng một cách khôn ngoan mọi nguồn lực nước nhà để chống lại các thế lực thù địch và bảo vệ hành tinh của chúng ta?
Liệu chúng ta có nên để bị chia rẽ và đấu đá nội bộ? Hay liệu chúng ta nên tìm lại và nắm vững những giá trị cốt lõi đã tạo nên một nước Mỹ như ngày nay?
Trong hai tuần tới, tôi sẽ gửi lên Quốc hội một bản dự thảo với những bước đi thiết thực thay vì những dự định mang tính đảng phái chính trị. Và trong những tháng tới đây, tôi sẽ đi khắp nước Mỹ để thuyết phục các bạn ủng hộ những dự định đó.
Đêm nay, tôi không muốn đi quá sâu vào một danh sách các dự định tương lai, mà thay vào đó, tôi muốn tập trung vào những giá trị có liên quan trực tiếp đến những sự lựa chọn đang trước mắt chúng ta.
Đầu tiên là nền kinh tế.
7 năm trước, Rebekah và Ben Erler, hai công dân thành phố Minneapolis, đã lấy nhau. Rebekah làm nghề bồi bàn. Ben làm ngành xây dựng. Jack, người con đầu lòng của hai người sắp chào đời.
Họ là những công dân Mỹ trẻ tuổi đang xây dựng mái ấm ngay trên quê hương họ. Còn gì tuyệt vời hơn thế?
Rebekah đã viết cho tôi mùa xuân năm ngoái: "Ước gì chúng tôi biết được những gì sẽ xảy ra với thị trường nhà đất và xây dựng(*)."
Từ hệ quả của cuộc khủng hoảng, công việc của Ben gặp nhiều khó khăn. Anh phải làm những công việc không đúng với sở trường để đảm bảo thu nhập, kể cả khi những công việc này khiến anh phải xa gia đình trong thời gian dài.
Rebekah phải để lại khoản tiền đã vay để học đại học, tạm thời đi học cao đẳng cộng đồng, và phát triển sự nghiệp theo một hướng khác. Họ đã hy sinh vì nhau.
Và dần dần, công lao của họ đã được đền đáp. Họ đã có đủ tiền xây được một ngôi nhà mới. Họ có một người con thứ hai, tên Henry.
Rebekah có một công việc ổn định với thu nhập cao hơn. Ben đã trở lại với ngành xây dựng sở trường, và có thể về ăn tối cùng gia đình hàng ngày.
"Thật tuyệt vời, cái cảm giác trỗi dậy sau thời kỳ khó khăn. Gia đình chúng tôi giờ đã gần gũi và mạnh mẽ hơn sau những khó khăn trước đây" - Rebekah đã viết cho tôi như thế.
The Erler family - Ben, Rebekah and their boys Jack and Henry - listen to President Obama talk about the economy while at the Lake Harriet Band Shell in Minneapolis last June
Nước Mỹ chúng ta cũng gần gũi và mạnh mẽ hơn sau những khó khăn trước đây.
Các bạn ạ, câu chuyện của Rebekah và Ben cũng là câu chuyện của nước Mỹ chúng ta. Họ đại diện cho hàng triệu người Mỹ đã làm việc chăm chỉ, hi sinh, và làm mới mình.
Các bạn chính là lý do tại sao tôi tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống này. Các bạn là những người trong tâm trí tôi vào 6 năm trước, trong những tháng ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính, khi tôi đứng trên thềm tòa nhà Quốc hội và hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ xây dựng lại nền kinh tế trên một nền tảng mới.
Sự cố gắng và kiên trì của các bạn đã giúp nước Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ được như ngày hôm nay.
Chúng ta đã có niềm tin vào việc tạo thêm công ăn việc làm. Và trong 5 năm qua, nền kinh tế của chúng ta đã tạo thêm được hơn 11 triệu công việc mới.
Chúng ta đã có niềm tin vào việc giảm lệ thuộc vào dầu khí nước ngoài và bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Và hôm nay, nước Mỹ nắm vị trí số một thế giới trong ngành dầu khí.
Nước Mỹ nắm vị trí số một thế giới về phát triển năng lượng gió.
Sản lượng năng lượng mặt trời của chúng ta trong 3 tuần vào thời điểm này bằng với sản lượng năng lượng mặt trời chúng ta làm ra trong cả năm 2008.
Và nhờ giá dầu giảm và chất lượng xăng tăng, mỗi gia đình Mỹ năm nay tiết kiệm được trung bình 750 USD tiền xăng.
Chúng ta đã có niềm tin vào lớp trẻ trong một thế giới đầy cạnh tranh.
Và hôm nay, những học sinh sinh viên trẻ của chúng ta đang có điểm trung bình hai môn chính là Toán và Đọc hiểu cao nhất từ trước đến nay. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của chúng ta đạt mức cao kỉ lục. Và lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cũng tăng hơn bao giờ hết.
Chúng ta đã có niềm tin vào việc những bộ luật phù hợp có thể phòng ngừa một cuộc khủng hoảng mới, bảo vệ quyền lợi của các gia đình Mỹ, và khuyến khích cạnh tranh công bằng.
Và ngày hôm nay, chúng ta đã có trong tay những dự luật có thể ngăn chặn các lỗ hổng thuế quan, một cơ quan giám sát tiêu dùng để bảo vệ chúng ta khỏi những cá nhân tổ chức cho vay nặng lãi.
Và chỉ trong năm vừa qua thôi, gần 10 triệu người Mỹ đã được bảo hiểm y tế.
Trong mỗi bước tiến, người ta đã nói rằng những mục tiêu của chúng ta là quá sức, rằng chúng ta sẽ làm trầm trọng hóa thêm cuộc khủng hoảng.
Nhưng ngược lại, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển về mặt kinh tế một cách mạnh mẽ nhất trong hơn một thập kỉ qua, các khoản nợ của chúng ta đã giảm 2/3, một thị trường chứng khoán đã hồi phục và tăng trưởng gấp đôi, và tình hình lạm phát do bảo hiểm y tế ở mức thấp nhất trong 50 năm qua.
Đã quá rõ ràng rồi.
Kinh tế lấy trọng tâm là tầng lớp trung lưu hoàn toàn có thể được áp dụng. Tăng cường cơ hội sẽ đem lại hiệu quả. Và những chính sách này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng nếu như chúng ta có thể gạt những mục đích chính trị sang một bên.
Chúng ta không thể kìm hãm nền kinh tế qua việc đóng cửa chính phủ.
Chúng ta không thể để người Mỹ sống trong lo ngại bằng cách tước đi quyền được bảo hiểm của họ, hay ra những luật lệ mới tại Phố Wall, hay tiếp tục đấu đá xoay quanh các chính sách nhập cư trong khi chúng ta sở hữu một hệ thống có thể xử lý được điều đó.
Nếu Quốc hội đưa ra bất kỳ một dự luật nào liên quan đến những điều trên, tôi sẽ dùng quyền phủ quyết.
Ngày hôm nay, nhờ có một nền kinh tế đang phát triển, đà phục hồi của chúng ta đã có tác động đến cuộc sống của nhiều người hơn. Mức lương đang tăng dần. Chúng ta nên biết rằng những ông chủ kinh doanh nhỏ đang có ý định tăng lương cho người lao động ở mức cao nhất từ năm 2007.
Có điều - những người trong chúng ta hôm nay, chúng ta nên nhắm đến cái đích cao hơn. Chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ "tránh không phá".
Đêm nay, chúng ta hãy cùng nhau nối lại mối liên hệ lâu đời giữa công sức bỏ ra và những cơ hội phát triển, một quyền lợi đặc trưng của mỗi người Mỹ.
Vì những gia đình như Rebekah vẫn cần sự giúp đỡ của chúng ta. Vợ chồng cô ấy đang làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết, nhưng họ không được đi du lịch, chưa được mua xe mới, để dành dụm tiền trả nợ và giữ cho đến khi về hưu.
Chỉ riêng chi phí chăm sóc cho hai đứa con của họ cũng đã hơn cả tiền thuế nhà đất, và hơn tiền học một năm ở Đại học Minnesota.
Cũng như hàng triệu người dân Mỹ chăm chỉ khác, Rebekah không ngửa tay xin viện trợ, mà cô ấy chỉ muốn chúng ta tìm ra những chính sách mới để giúp gia đình cô có thể vượt lên.
Trước đây, trong mỗi bước tái cơ cấu nền kinh tế trong lịch sử nước Mỹ, chúng ta đã có những bước đi táo bạo để phù hợp với thời thế, đồng thời đảm bảo cơ hội công bằng cho mỗi người dân.
Chúng ta đã có luật bảo vệ người lao động và các gói bảo hiểm y tế (Medicare, Medicaid) để bảo vệ người dân khỏi những khó khăn không ngờ tới.
Chúng ta đã trang bị cho người dân trường học, cơ sở hạ tầng và mạng internet, những công cụ sẽ giúp họ biến những cố gắng của mình ra thành quả.
Đây là bản chất của nền kinh tế trung lưu - nước Mỹ sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi mỗi người trong chúng ta đều có cơ hội bình đẳng, đều bỏ ra công sức của mình, dưới một bộ luật công bằng cho mọi người.
Chúng ta không chỉ muốn tất cả chia sẻ sự thành công của nước Mỹ, mà tất cả chúng ta phải đóng góp cho sự thành công của nước Mỹ.
Vậy chúng ta cần những gì để phát triển một nền kinh tế trung lưu trong thời đại này?
Đầu tiên, kinh tế trung lưu sẽ phát huy tác dụng nếu chúng ta có thể giúp các gia đình cảm thấy bình tâm trong một thế giới nhiều đổi thay.
Cụ thể hơn, đó là giúp đỡ họ có thể có điều kiện nuôi con ăn học, có điều kiện đi học đại học, có bảo hiểm, có một mái ấm, và có lương hưu.
Những dự luật mới của tôi sẽ để tâm đến tất cả những điều này, đồng thời giảm thuế và giúp mỗi gia đình có thể giữ lại được cho mình hàng nghìn USD mỗi năm.
Tất nhiên không gì giúp đỡ các gia đình nói trên tốt bằng một mức lương cao hơn. Đó là lý do tại sao Quốc hội cần thông qua một bộ luật đảm bảo sự công bằng về mặt lương bổng cho cả nam lẫn nữ.
2015 rồi. Đã đến lúc làm như vậy. Chúng ta cần đảm bảo mỗi người lao động được nhận lương làm thêm giờ đúng với công sức họ bỏ ra.
Đối với những thành viên trong Quốc hội vẫn phản đối việc tăng mức lương tối thiểu, hãy lắng nghe điều này: Nếu các vị thực sự tin rằng một người làm việc 40 tiếng/tuần có thể chăm lo cho gia đình họ với mức lương 15.000 USD/năm, thử làm như vậy xem.
Nếu không, mong các vị hãy bỏ phiếu ủng hộ việc tăng lương cho những người Mỹ đang làm việc chăm chỉ hàng ngày kia.
Những thay đổi này sẽ không biến tất cả trở thành người giàu, hay xóa đi mọi khó khăn trước mắt. Đấy không phải nhiệm vụ của chính phủ.
Để mỗi gia đình đều có một cơ hội bình đẳng, các nhà tuyển dụng cần có một tầm nhìn xa hơn, họ cần phải nghĩ đến những lợi ích lâu dài của công ty mình thay vì chỉ đau đáu lo cho bảng lương của quý sắp tới.
Chúng ta vẫn cần những bộ luật tiếp thêm sức mạnh cho các tổ chức công đoàn, và cho họ một tiếng nói riêng.
Những quyền lợi như chăm sóc trẻ em, nghỉ ốm, hay một mức lương bình đẳng sẽ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của hàng triệu hộ gia đình nước Mỹ. Đây là sự thật.
Và đây cũng là những gì tất cả chúng ta, dù là đảng viên Cộng hòa hay Dân chủ, phải làm được.
Thứ hai, để đảm bảo việc người dân Mỹ có thể tiếp tục hưởng lương cao hơn trong tương lai, chúng ta cần phải làm nhiều hơn để giúp người Mỹ nâng cao trình độ.
Nước Mỹ có thể phát triển đến vậy trong thế kỉ 20 vì chúng ta miễn phí trường cấp 3, giúp một thế hệ các cựu chiến binh vào đại học, và đào tạo một tầng lớp lao động có trình độ cao nhất thế giới.
Nhưng ở thế ky 21 trong bối cảnh nền kinh tế tưởng thưởng cho sự hiểu biết nhiều hơn bao giờ hết, chúng ta phải làm được hơn thế.
Đến cuối thập kỷ này, cứ 3 đơn tuyển dụng thì 2 trong số đó cần bằng đại học. Vậy mà rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi, thông minh, và năng động không thể có được điều đó vì lý do chi phí. Điều này không công bằng đối với họ, và không tốt cho tương lai của nước Mỹ.
Đó là lý do tại sao tôi sẽ gửi lên Quốc hội một dự luật miễn phí cao đẳng cộng đồng (Community College).
40% sinh viên Mỹ hiện nay chọn theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng. Trong đó có người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp cũng như những người luống tuổi hơn đang muốn làm mới mình.
Hay đó cũng có thể là các cựu chiến binh và bố/mẹ đơn thân với ý định quay trở lại đi làm. Dù bạn là ai, dự luật này sẽ là cơ hội để các bạn sẵn sàng cho một nền kinh tế mới mà không bị gò bó bởi các món nợ.
Nhưng các bạn phải hiểu rằng mình sẽ phải xứng đáng với điều đó. Tôi muốn cùng Quốc hội đảm bảo rằng những người Mỹ đang bị những khoản nợ từ tiền học đại học đè nặng trên vai sẽ không bị những khoản tiền này can thiệp vào những hoài bão của họ.
Và với mỗi thế hệ cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường, chúng ta nợ họ một cơ hội để thực hiện "Giấc mơ Mỹ", cái mà họ đã phải hy sinh xương máu để bảo vệ. Chúng ta đã có những bước tiến trong việc đảm bảo các cựu binh có được những quyền lợi họ xứng đáng được hưởng.
Chúng ta đang làm những gì có thể để họ có thể chuyển sang cuộc sống của một thường dân Mỹ một cách đơn giản nhất.
Thưa tất cả các CEO tại Mỹ, tôi xin nhắc lại: Nếu các bạn muốn một người có thể đảm bảo hoàn thành công việc được giao, hãy tuyển một cựu binh về làm.
Cuối cùng, để đào tạo lao động tốt hơn, chúng ta cần một nền kinh tế có thể tạo ra công ăn việc làm với thu nhập cao.
Từ năm 2010, số lượng người Mỹ thất nghiệp có việc làm trở lại nhiều hơn cả châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác cộng lại.
Các nhà máy xí nghiệp của chúng ta đã tạo thêm hơn 800.000 việc làm mới. Nền công nghiệp sản xuất ô tô vốn là thế mạnh cũng đã phát triển trở lại. Ngoài ra, cũng có hàng triệu người Mỹ đang làm những công việc mà 10 hay 20 năm trước đây chưa hề xuất hiện, những công việc tại các công ty như Google, eBay, hay Tesla.
Không ai biết chắc được nền công nghiệp nào sẽ là đầu tàu trong việc tạo công ăn việc làm trong tương lai.
Nhưng có một điều chắc chắn, nền công nghiệp đó sẽ được chào đón tại Mỹ...
Các doanh nghiệp thế kỷ 21, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ, cần xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm của Mỹ ra nước ngoài. Sản lượng xuất khẩu của chúng ta đang ở mức cao hơn bao giờ hết, và các nhà xuất khẩu có xu hướng trả lương cao hơn.
Nhưng lúc này đây, Trung Quốc lại muốn thay đổi luật lệ. Điều đó sẽ khiến lực lượng lao động và các doanh nghiệp của chúng ta rơi vào thế bất lợi.
Tại sao chúng ta có thể để điều đó xảy ra? Chúng ta cũng phải đặt ra những quy tắc riêng.
Chúng ta phải tạo ra một sân chơi bình đẳng. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu cả hai bên giao cho tôi quyền xúc tiến thương mại để bảo vệ người lao động Mỹ, với những giao dịch thương mại bình đẳng từ châu Á đến châu Âu.
Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng những giao dịch thương mại vừa qua đôi lúc đã không được như ý muốn, và đó là lý do tại sao chúng ta kịch liệt chỉ trích những quốc gia đã phá vỡ quy tắc.
Nhưng 95% người tiêu dùng hàng Mỹ hiện đang sống bên ngoài biên giới chúng ta, và chúng ta không thể để những cơ hội đó tuột khỏi tay mình.
Hơn một nửa số giám đốc điều hành sản xuất cho biết, họ đang tích cực mang về Mỹ những việc làm trước đây chỉ thực hiện ở Trung Quốc. Hãy tin rằng họ có thể làm được điều đó...
Đó là lý do tại sao phần thứ ba của kinh tế trung lưu nhấn mạnh vào việc xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Giúp đỡ các hộ gia đình làm ăn chăm chỉ ổn định cuộc sống. Trang bị cho họ những công cụ cần thiết để có được việc làm trong nền kinh tế mới hiện nay. Duy trì những điều kiện hướng tới phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Đây là những bước đi mà nước Mỹ cần hướng tới. Tôi tin rằng đây cũng là những bước đi mà người Mỹ muốn hướng tới.
Nền kinh tế nước Mỹ sẽ mạnh hơn vào năm tới, hay 15 năm tới, và xa hơn là trong cả thế kỷ này.
Tất nhiên, nếu có một điều mà thế kỉ mới này đã dạy cho chúng ta, thì đó là việc chúng ta không thể quá tập trung vào công việc trong nước mà quên đi những thử thách đang chờ đợi chúng ta ở ngoài biên giới.
Sứ mệnh đầu tiên của tôi với tư cách là Tổng Tư lệnh là bảo vệ nước Mỹ. Để làm được điều đó, câu hỏi được đặt ra không phải là liệu nước Mỹ có nên là đầu tàu của thế giới hay không, mà là nước Mỹ làm như vậy bằng cách nào.
Khi chúng ta đưa ra những quyết định nóng vội mà không suy nghĩ thấu đáo, khi phản ứng đầu tiên của chúng ta trước mỗi thách thức từ bên ngoài là huy động quân đội, đó là lúc chúng ta bị cuốn vào những cuộc giao tranh không cần thiết, đồng thời bỏ qua một chiến lược ở tầm cao hơn.
Đây chính là điều mà những kẻ thù của chúng ta muốn.
Tôi tin vào một nước Mỹ khôn ngoan hơn trong những bước đi tiên phong của mình.
Chúng ta mạnh nhất khi kết hợp giữa quân sự và ngoại giao một cách đúng đắn, khi chúng ta biết sử dụng tiềm lực trên bàn đàm phán, khi chúng ta không để nỗi sợ lấy đi những cơ hội mà thế kỉ mới này đem lại cho chúng ta.
Đó chính là những gì chúng ta đang làm được vào thời điểm này - và nó đang tạo nên sự khác biệt trên toàn cầu.
Đầu tiên, chúng ta đồng lòng với những nạn nhân của khủng bố trên toàn thế giới - từ trường học ở Pakistan đến những con phố tại Paris.
Chúng ta sẽ tiếp tục truy lùng các phần tử khủng bố, phá hủy hệ thống của chúng. Chúng ta có quyền hành động đơn phương, vì những tên này là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh Mỹ và các nước đồng minh.
Cùng lúc đó, chúng ta cũng đã rút ra nhiều bài học đắt giá trong 13 năm qua.
Thay vì để lính Mỹ túc trực tại những ngọn đồi trên lãnh thổ Afghanistan, chúng ta đã đào tạo lực lượng an ninh cho chính họ, những người giờ đây đã trở thành tiên phong.
Thay vì phải đem quân sang nước ngoài, chúng ta đã liên minh với các nước từ Nam Á đến Bắc Phi để ngăn chặn các phần tử khủng bố xâm nhập.
Tại Iraq và Syria, quân đội đồng minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ đang chặn đứng bước tiến của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thay vì bị cuốn vào một cuộc chiến tại Trung Đông, chúng ta đang lãnh đạo một liên minh làm suy yếu thế lực đế tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tổ chức này. Và đêm nay, tôi kêu gọi Quốc hội cho thế giới thấy được sự đồng nhất của các nước trong liên minh bằng cách thông qua nghị quyết sử dụng vũ lực chống lại IS.
Thứ hai, chúng ta đang thể hiện sức mạnh của Mỹ trong ngoại giao. Bằng việc ủng hộ nền dân chủ ở Ukraine và hỗ trợ đồng minh NATO, chúng ta đang duy trì nguyên tắc nước lớn không thể bắt nạt nước nước nhỏ hơn.
Năm ngoái, khi chúng ta và các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt, có những ý kiến cho rằng sự hiếu chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một sự kết hợp tuyệt hảo giữa chiến thuật và phô diễn sức mạnh.
Nhưng hãy nhìn xem, hôm nay, Mỹ mới là nước đang đứng hiên ngang trong sự đoàn kết với các nước đồng minh, trong khi Nga bị cô lập, với một nền kinh tế tan hoang.
Đó là cách nước Mỹ đi đầu trên trường quốc tế - không phải với sự hung hăng nhất thời, mà bằng những bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn, kiên định.
Ở Cuba, chúng ta đang đặt dấu chấm hết cho một chính sách đã lỗi thời.
Khi bạn làm một việc trong suốt 50 năm mà không đi đến kết quả gì, đã đến lúc thay đổi. Chính sách mới của Mỹ đối với Cuba có tiềm năng đặt dấu chấm hết cho một thời kì mất lòng tin lẫn nhau giữa hai nước; xóa bỏ những cái cớ cho việc tiếp tục cấm vận Cuba; và chung tay nối lại tình hữu nghị với người dân Cuba.
Và năm nay, Quốc hội nên bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm vận. Như Giáo hoàng Francis đã từng nói, ngoại giao là một công việc đòi hỏi nhiều "bước tiến nhỏ". Những bước tiến nhỏ này dần dần đã gộp lại thành một thời đại mới đầy hi vọng cho đất nước Cuba...
Không một quốc gia hay một tin tặc nào có thể phá hoại hệ thống mạng của chúng ta, đánh cắp những bí mật quốc gia của chúng ta, và xâm hại quyền riêng tư của người dân nước Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét