Trang

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

10 sự kiện thế giới năm 2012

Tranh chấp chủ quyền ở châu Á, cơn bĩ cực của châu Âu và loạn lạc ở Trung Đông trong năm qua tạo nên bối cảnh cho những cuộc đua giành quyền lực của các vị tổng thống ở một loạt nước lớn.
Obama tái cử tổng thống Mỹ
Sau một cuộc chạy đua kịch tính tốn hơn 2 tỷ USD và được cả thế giới theo dõi sát sao, Barack Obama tái cử tổng thống Mỹ.
Obama là tổng thống đầu tiên kể từ năm 1940 tái đắc cử bất chấp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là trên 7,5%. Ảnh: AFP

Chiến thắng của Obama là sự ghi nhận những gì ông đã làm được trong 4 năm qua. Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden sau một thập kỷ truy lùng, rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Iraq, dần giảm quân lực ở Afghanistan và từng bước khôi phục nền kinh tế. Tổng thống Mỹ vừa lần thứ hai được tạp chí Time bình chọn là "Nhân vật của năm". Đa số độc giả VnExpress (55,6%) cũng cho rằng Obama là người có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm qua.
Nếu bầu cử diễn ra ở nước ngoài, Obama sẽ thắng áp đảo với tỷ lệ đến 80% ở châu Âu và Á. Điều này cho thấy thế giới, dù không đánh giá cao thành quả kinh tế của Mỹ, vẫn chưa muốn có thay đổi ở Washingon, và muốn dành thời gian để Obama thực hiện nốt đường hướng đối ngoại. Chính phủ Mỹ sẽ hiện thực hóa chiến lược giảm hiện diện ở Trung Đông, Trung Á, chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình dương. Ở khu vực đang có nhiều điểm nóng tranh chấp chủ quyền này, việc "trở lại Á châu" của Obama được coi như đối trọng cần thiết để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và như một bên đảm bảo an ninh giữa thời thế bất ổn.
Ảnh: Con người và thế giới năm 2012
Clip: Thế giới trong năm 2012
Đông Bắc Á dậy sóng trong tranh chấp biển
Ngày 15/9, hình ảnh hàng trăm nghìn người trên khắp Trung Quốc xuống đường biểu tình, phẫn nộ xé cờ Nhật, đốt ô tô Nhật, phá nhà hàng và siêu thị Nhật, đã leo lên trang nhất các báo thế giới. Hành động này thể hiện mức độ gay gắt của cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa hai cường quốc.
Người biểu tình ở Trùng Khánh, tỉnh tây nam Tứ Xuyên la hét các khẩu hiệu chống Nhật .
Người biểu tình ở Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, hô to các khẩu hiệu chống Nhật. Ảnh: AFP
Các đại sứ liên tục bị triệu tập, những tràng khẩu chiến diễn ra không ngớt. Trên thực địa, các vụ bắt bớ và xua đuổi tàu thuyền, các màn rượt đuổi, đấu vòi rồng khiến nhiều người lo sợ rằng chỉ một sơ sảy thôi, thì căng thẳng có thể bị đẩy lên mức xung đột. Trung Quốc, vốn thận trọng không dùng đến hải quân, kể từ đó áp dụng chiến thuật mưa dầm, ngày ngày cho tàu chính phủ áp sát quần đảo để tạo nên "sự đã rồi". Nhật Bản, trước thiệt hại kinh tế to lớn mà cuộc khủng hoảng gây ra, đã có nhiều nỗ lực nhằm hòa dịu với Bắc Kinh, và tình hình lắng xuống vào cuối năm khi hai nước chuẩn bị thay đổi nhân sự lãnh đạo.
Tuy nhiên, Senkaku /Điếu Ngư khó có thể yên ả được lâu, khi tân thủ tướng Nhật phát biểu ngay sau khi thắng cử cuối tháng 12, rằng Nhật sẽ không lùi bước trước Trung Quốc.
Đối đầu dài nhất trong hai thập kỷ ở Biển Đông
Suốt từ đầu hè đến cuối thu, Biển Đông sôi sục. Tháng 4, tàu của Trung Quốc và Philippines hằm hè ở một bãi cạn, tạo nên cuộc đối đầu dài nhất ở Biển Đông trong hai thập kỷ. Tháng 6, Bắc Kinh lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" gồm toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa, khiến Việt Nam và các nước liên quan phẫn nộ, nhiều lần phản đối.
Các tàu cá Trung Quốc tại một cảng thuộc tỉnh Hải Nam. Ảnh: AP.
Các tàu cá Trung Quốc dàn hàng tại một cảng thuộc tỉnh Hải Nam, chuẩn bị tiến xuống Biển Đông đánh cá. Ảnh: AP.
Trung Quốc tuyên bố cho quân đồn trú ở "Tam Sa". Cộng đồng quốc tế lo ngại, đây có thể là bàn đạp cho các chiến dịch quân sự của Trung Quốc sau này. Bắc Kinh có chiến lược từng bước thâu tóm toàn bộ Biển Đông khi tung ra các bước đi về kinh tế, khoa học, môi trường, hạ tầng, ngư nghiệp, xâm phạm chủ quyền của láng giềng, đòi chủ quyền trong cả vùng "đường lưỡi bò" vô lý.
Hai kỳ hội nghị ASEAN bao trùm bởi căng thẳng Biển Đông. Tháng 7, các nước thành viên thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung, sự kiện chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của hiệp hội. Tháng 11, thế giới biết được sự rạn nứt trong một ASEAN vốn đề cao đồng thuận. ASEAN muốn đàm phán đa phương về một bộ quy tắc ràng buộc các bên, trong khi Trung Quốc không muốn và còn cảnh báo Mỹ cùng các nước khác "tránh xa Biển Đông".
"Căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ trở thành xung đột, bởi lực lượng vũ trang của các nước ngày càng tăng trong khi tranh chấp không được giải quyết", ICG, tổ chức nghiên cứu tầm cỡ quốc tế nhận xét về căng thẳng tích tụ trên Biển Đông.

Trung Quốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra vào đầu tháng 11 đánh dấu sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của nền kinh tế số 2 thế giới. Ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư mới của đảng và hạ quyết tâm chấn hưng Trung Quốc, tăng gấp đôi GDP vào năm 2020, tiếp tục xây dựng xã hội khá giả toàn diện, truy quét tham nhũng. Đại hội diễn ra sau một vụ án chấn động chính trị Trung Quốc, trong đó vợ chồng ủy viên trung ương đảng Bạc Hy Lai bị buộc tội lạm quyền và vi phạm kỷ luật.
Tân tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc họp với các thành viên Bộ Chính trị hôm 19/11. Ảnh: AFP
Ban lãnh đạo mới do ông Tập dẫn đầu có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững vàng về mở cửa, hợp tác và phát triển, có cách nhìn thân thiện hơn với phương Tây. Trung Quốc cũng tuyên bố phải trở thành cường quốc biển và đã đưa vào sử dụngtàu sân bay đầu tiên cùng nhiều vũ khí hiện đại trong sự theo dõi và cảnh giác của các nước láng giềng.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Nhật Bản, từ phía bên kia của biển Hoa Đông, luôn dõi mắt quan sát. Để thích ứng, Nhật cũng đang thay đổi chậm rãi nhưng chắc chắn theo hướng cứng rắn hơn cả về quân sự và ngoại giao.
Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga
Người đàn ông nổi tiếng can trường Putin khiến công chúng bất ngờ khi khóc mừng chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Nga đêm 4/3, trước hàng chục nghìn người và truyền thông quốc tế. Putin tuyên bố đã thắng trong một cuộc chiến trung thực và minh bạch.
Ông Putin rơi lệ trong đêm mít tinh mừng chiến thắng bầu cử tổng thống 2012. Ảnh: The Guardian
Putin giành được chiến thắng này bất chấp phong trào biểu tình chống chính phủ rầm rộ nhất ở Nga kể từ những năm 1990. Tầng lớp trung lưu ở đô thị, giàu lên nhờ môi trường ổn định và kinh tế phát triển trong chính thập niên mà Putin nắm quyền, nay đòi hỏi nhiều hơn thế, và quay ra phản đối các chính sách của ông.
Là cường quốc có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề toàn cầu, nước Nga dưới sự dẫn dắt của Putin sẽ còn tiếp tục phải giải quyết với Mỹ và phương Tây một loạt vấn đề từ nội chiến Syria đến chương trình hạt nhân Iran và Triều Tiên. Điểm đặc biệt trong chính sách của Putin nhiệm kỳ này là chiến lược hướng về châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang là trọng tâm kinh tế của thế giới, và củng cố quan hệ với các đối tác cũ, mà Việt Nam là một ví dụ.
Triều Tiên hai lần phóng tên lửa
Luôn khiến các nước phải nín thở hồi hộp hoặc bất ngờ, Triều Tiên năm nay hai lần phóng tên lửa để "đưa vệ tinh lên vũ trụ" và đã thành công trong lần phóng thứ hai vào ngày 12/12. Trong khi người Triều Tiên reo hò nhảy múa, Mỹ, Nhật, Hàn tức tốc họp bàn cách đối phó, bởi các nước này cho rằng hành động của Bình Nhưỡng nhằm thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa Triều Tiên sáng 12/12. Ảnh:AFP
Hai cuộc phóng nhằm củng cố quyền lực và khẳng định chiến lược ưu tiên quân sự của nhà đạo gần 30 tuổi Kim Jong-un. Kể từ khi thay cha, Kim Jong-un thường xuyên thị sát quân đội, trực tiếp theo dõi những cuộc tập trận, bổ nhiệm hoặc cách chức nhiều vị trí chỉ huy quân đội cấp cao, thể hiện quan điểm cứng rắn với Hàn Quốc. Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phóng những tên lửa lớn hơn trong tương lai. Một cuộc thử hạt nhân thứ ba cũng là việc mà Bình Nhưỡng có thể tiến hành.
Trong quan điểm của Nhật và Hàn Quốc, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây phẫn nộ lớn, bởi hai nước giàu có này khó mà chấp nhận tình trạng đau đầu kinh niên kèm những cơn cấp tính như vừa rồi. Thế nhưng họ cũng như Mỹ không còn nhiều lựa chọn để đối phó, bởi các biện pháp trừng phạt và cô lập hầu như không còn tác dụng.
Bộ phim phỉ báng khiến thế giới Hồi giáo thịnh nộ
Một phần của phim "Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo" do một người Mỹ sản xuất được đăng trên YouTube và một kênh truyền hình Ai Cập hồi đầu tháng 9. Đoạn phim có nội dung phỉ báng Nhà tiên tri Mohammed này lập tức thổi bùng lên cơn thịnh nộ của người Hồi giáo. Biểu tình và tấn công các đại sứ quán Mỹ nổ ra ở hàng chục quốc gia từ châu Phi sang châu Á.
Ảnh: AFP
Người biểu tình đập phá đại sứ quán Mỹ tại thành phố Tunis, Tunisia. Ảnh: AFP
Hàng chục người thiệt mạng và bị thương trong bạo loạn. Đúng ngày 11/9, kỷ niệm 11 năm vụ khủng bố tháp đôi ở Mỹ, một vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya làm 4 nhân viên ngoại giao tử vong, trong đó có Đại sứ Mỹ Christopher Stevens. Đây là lần đầu tiên một đại sứ Mỹ bị sát hại kể từ năm 1988. Cuộc tấn công ở Benghazi trở thành một bê bối chính trị, làm rung chuyển Bộ Ngoại giao Mỹ, làm tan vỡ hy vọng trở thành bộ trưởng ngoại giao Mỹ của một ứng viên sáng chói.
Sự kiện cho thấy chỉ một dấu hiệu xúc phạm đạo Hồi, như một tàn lửa nhỏ, khi được loan tin với tốc độ nhanh như gió trong kỷ nguyên công nghệ số ngày nay, có thể thổi bùng lên một ngọn lửa giận dữ vượt tầm kiểm soát. Làn sóng biểu tình cũng bộc lộ tình trạng hỗn loạn ở các nước Trung Đông và Bắc Phi thời hậu "Mùa xuân Arab".
Nội chiến khốc liệt ở Syria
Syria là một "mùa xuân" quá dài trong thế giới Arab. Các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Syria kể từ tháng 3/2011 đã không nhanh chóng thay đổi chính quyền, mà biến thành nội chiến khốc liệt cướp đi sinh mạng của 44.000 người dân. Những đứa trẻ Syria mặt dính máu, mắt mở to sợ hãi đã trở thành hình ảnh không xa lạ với thế giới. Chỉ khi nào có thảm sát xảy ra, như vụ 200 thi thể được phát hiện trong một ngôi nhà hồi tháng 8, sự chú ý mới rộ lên một thời gian ngắn, rồi lại xẹp đi.
Bà mẹ Syria bế con bị thương trong một cuộc giao tranh ở Syria. Ảnh: AP
Bà mẹ Syria bế con bị thương trong một cuộc giao tranh ở Syria. Ảnh: AP
Giống như ở Libya, phe đối lập chỉ có thể thắng thế nếu nhận được sự hậu thuẫn mạnh trên cả chính trường và thực địa. Nhưng tổng thống Mỹ Obama hiển nhiên không muốn sa chân vào một bãi mìn trong năm bầu cử. Thực trạng Libya và các nước Arab thời "hậu Mùa xuân" cũng không dễ chịu gì với các nước như Anh, Pháp. Với Nga, Syria là tiền đồn ở Địa Trung Hải, do đó Moscow cùng với Bắc Kinh nhất quyết không đồng tình với những đòi hỏi trừng trị ông Assad mà phương Tây đưa ra.
Từng dòng người Syria vẫn tiếp tục chạy sang các nước lánh nạn, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo nữa ở Trung Đông, trong khi các nước lớn vẫn đang bàn tính.
Khủng hoảng kinh tế vây hãm châu Âu
Hơn 20 chủ doanh nghiệp tại Italy tự sát vì khủng hoảng kinh tế trong 4 tháng đầu năm. Tây Ban Nha ban hành những biện pháp khắc khổ nhất trong hơn 30 năm qua, làm bùng lên cuộc đình công khắp đất nước. Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp bị người biểu tình ném bom xăng, bén lửa ngùn ngụt giữa phố. Dân chúng ở các nước khó khăn trong khủng hoảng ở châu Âu tố cáo chính phủ đẩy họ vào cảnh khốn đốn.
Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người Tây Ban Nha phản đối các biện pháp khắc khổ nghiêm khắc nhất trong ba thập niên. Ảnh: AP
Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người Tây Ban Nha phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm khắc nhất trong ba thập niên. Ảnh: AP
Nhưng các chính phủ không có cách nào khác, họ phải cắt giảm chi tiêu hòng thoát khỏi khủng hoảng nợ công - căn bệnh bùng phát từ Hy Lạp, lan sang Ireland, Bồ Đào Nha rồi tiến vào Tây Ban Nha, Italy – hai nền kinh tế lớn của khu vực. Ở thời điểm căng thẳng nhất của khủng hoảng vào tháng 6, người ta thậm chí còn tính đến khả năng "hy sinh" Hy Lạp để cứu cả khối.
EU và IMF, bằng những gói cứu trợ khổng lồ, cuối cùng cũng tát bớt nước để cứu được những con thuyền sắp chìm. Châu Âu đã thông qua "công ước tài chính" vào tháng 12, nhằm tạm thời xua đuổi nguy cơ đối với đồng euro. Tuy nhiên nguy khủng hoảng có chắc chắn bị đẩy lui hay không còn phụ thuộc nhiều vào những cuộc bầu cử ở hai nền kinh tế lớn của khối trong năm tới, tại Đức và Italy.
Myanmar cải cách dân chủ
Từ bỏ chế độ quân sự bị thế giới cô lập hơn hai thập kỷ, Myanmar nhanh chóng dân chủ hóa trên nhiều lĩnh vực. Tổng thống U Thein Sein đánh dấu sự cải cách mở cửa bằng việc ân xá hàng trăm tù nhân chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí. Ông cũng mời lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi tham gia ứng cử vào quốc hội, hành động được cả trong và ngoài nước nhiệt liệt hoan nghênh.
Aung San Suu Kyi giữa vòng tay của người ủng hộ tại Myanmar. Ảnh: Washington Post
Aung San Suu Kyi giữa vòng tay của người ủng hộ tại Myanmar. Ảnh: Washington Post
Dấu hiệu cải cách ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của thế giới. Mỹ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao và nới lỏng cấm vận; EU và Australia gỡ lệnh bỏ các trừng phạt. Ông Obama hồi tháng 11 có chuyến thăm lịch sử tới nước này, trở thành tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên đến Myanmar. Các nhà đầu tư khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đang coi Myanmar là "cơ hội vàng cuối cùng" ở châu Á.
Biểu tượng dân chủ của thế giới San Suu Kyi, từng bị chính quyền quân sự giam lỏng gần 15 năm, vào tháng 6 đến Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình của năm 1991. Trong chuyến thăm tới các nước châu Âu và sau đó là Mỹ, bà được đón tiếp trọng thị và ca ngợi vì vai trò to lớn đối với tiến trình chuyển giao dân chủ của Myanmar. Cặp San Suu Kyi và Thein Sein được xếp hạng đầu trong danh sách100 nhà tư tưởng thế giới của tạp chí Foreign Policy năm nay.
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét