Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Bài đăng nhân ngày Thầy thuốc VN 27-2


Một mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật

Tuy số lượng phim về ngành y nói chung và những người thầy thuốc nói riêng chưa phải là nhiều, nhưng qua mỗi thước phim, tình người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt khiến người xem dễ dàng cảm nhận được không ở đâu như ngành y, tính nhân văn bao giờ cũng là điều mà hầu hết những người thầy thuốc luôn đề cao.
Trước hết, cần phải kể đến phim Đừng đốt của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh dựa theo cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một cuốn sách đạt kỷ lục phát hành năm 2006 và đã dấy lên phong trào thanh niên, sinh viên đọc sách và học tập tấm gương của nữ bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây là tiền đề tốt cho các nhà làm phim khai thác và dàn dựng thành tác phẩm điện ảnh.
Xét về khía cạnh chuyên môn thì NSND Đặng Nhật Minh là người có nghệ hiệu thể hiện qua hàng loạt phim như Bao giờ cho đến tháng mười, Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Trở về, Mùa ổi, Đừng đốt,... đó là những bộ phim mang đậm tính nhân văn.
Một mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật 1
 Bộ phim Đừng đốt có cả chiều sâu về tư tưởng và tính thẩm mỹ nghệ thuật.
Điều đặc biệt, NSND Đặng Nhật Minh là con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, năm 1967 trong một trận bom B52 của Mỹ ném xuống. Ông là người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước penicilin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có lẽ đây là sợi dây ràng buộc sâu thẳm trong tâm hồn và trái tim người nghệ sĩ tài hoa Đặng Nhật Minh khi quyết định viết kịch bản và đạo diễn bộ phim dựa vào nhật ký của cô học trò cha mình thuở nào để dựng thành phim Đừng đốt - bộ phim được coi có cả chiều sâu về tư tưởng và tính thẩm mỹ nghệ thuật, tái hiện một phần cuộc chiến vô cùng khốc liệt, nhưng không quá nệ thực. Đừng đốt là sự tiếp nối cách làm phim mang đậm phong cách Đặng Nhật Minh: trau chuốt, tinh tế mà không kém phần bạo liệt bằng việc gửi gắm ý tưởng vào những hình ảnh giàu ngôn ngữ điện ảnh. Có thể nói, cho đến nay, đây là bộ phim hay nhất về ngành y và người thầy thuốc trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc ta.
Phim Blouse trắng, kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Mỹ Hà, dài 70 tập do Hãng TFS sản xuất là bộ phim nói về những người thầy thuốc khá công phu. Phim không có nhân vật chính diện hay phản diện. Bác sĩ Hùng là một nhân vật có đầy đủ tính chất của một con người tốt có, xấu có và nếu được đặt vào đường ray phát huy cái tốt thì Hùng sẽ là một người hoàn thiện vì anh là một người có nhiều ước mơ. Tuy nhiên, Hùng không bao giờ sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân mà vì sự phát triển đi lên của bệnh viện.
Bên cạnh Hùng còn có một nữ bác sĩ sống bao dung, hết mình với nghề, quyết đoán và thẳng thắn vạch trần cái xấu, luôn cưu mang những người bất hạnh. Bộ phim đã gây được tiếng vang trong suốt một thời gian dài giúp người xem hiểu rõ hơn về ngành y và những người thầy thuốc trong cơ chế thị trường.
Lời thề danh dự - đạo diễn Việt Hùng là câu chuyện đề cập trực tiếp đến ngành y và những người thầy thuốc với bao chuyện đời, chuyện nghề. Những người thầy thuốc trong phim luôn phải đối diện với bệnh nhân, với hồ sơ bệnh án, những ca mổ cấp cứu và cả những số phận không may là chuyện thường ngày của những người làm việc trong ngành y. Ở một khía cạnh khác, các giáo sư, bác sĩ, y tá, hộ lý cũng là những người bình thường cùng làm việc trong một môi trường, nên họ còn phải đối diện với đồng nghiệp và với cả chính mình trong cuộc chiến đấu với tử thần để giành lại mạng sống cho con người.
Ở ngành nào cũng vậy, bên cạnh những người tốt, tận tâm với nghề nghiệp vẫn còn đó những người chưa tốt. Họ có những toan tính cá nhân, ích kỷ làm ảnh hưởng chung đến ngành. Nhưng trong cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái ác và cái thiện trong môi trường bệnh viện đã xuất hiện những câu chuyện cảm động và day dứt. Chính những nhân vật phản diện này làm cho câu chuyện thêm nhiều màu sắc ly kỳ, hấp dẫn, bớt đi sự đơn điệu một chiều của bộ phim.
Chân trời trắng do Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu đồng đạo diễn là một bộ phim ca ngợi y đức của những người thầy thuốc Việt Nam. 38 tập phim Chân trời trắng là góc nhìn thẳng thắn những vấn đề nhức nhối liên quan đến lương tâm, đạo đức ngành y cũng như lối sống thực dụng ở một bộ phận thanh niên, sinh viên và cán bộ ngành y. Nhưng điều quan trọng và điểm xuyên suốt, nổi bật vẫn là ca ngợi nghị lực, lòng yêu nghề, quyết tâm phấn đấu vì ước mơ của những bạn trẻ đã và đang theo đuổi nghề y.
Gần đây nhất phải kể đến Mùa sen - đạo diễn Võ Tấn Bình là bộ phim về những sinh viên trường y. Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ của Bàng với Hải, tình cảm chưa đến đâu thì Hải đột ngột nghỉ học về chăm sóc mẹ già. Sau khi ra trường, Bàng về nhận công việc tập sự ở một bệnh viện. Vốn là người trực tính, anh không thể nào bỏ qua những việc được coi là “chướng tai gai mắt”, nên đã quyết định nghỉ việc. Thế rồi, nhờ có tình yêu trong sáng từ thời sinh viên, Bàng đã trở lại nghề, tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
Có một thực tế là ngành y đang ngày càng là đề tài thu hút các nhà làm điện ảnh khi mà gần đây, gần như năm nào cũng có những bộ phim mới có nhân vật trọng tâm là người thầy thuốc.
Lê Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét