Nguyễn Hữu Quý
Những ngày gần đây, báo chính thống của Nhà nước đăng đàn về Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên (gồm hai nhà máy luyện quặng bôxít: một ở Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng, và một là nhà máy Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông), dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong những năm tới, khiến dư luận xôn xao.
Cũng phải thôi, không xôn xao, tiếc nuối… sao được, khi mà giáo viên và học sinh khi đi học qua sông bằng cách chui vào túi ni lông… thì việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để bù lỗ cho Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, rõ là rất ngông cuồng…
Trong bài viết “Bôxít Tây Nguyên dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng” (1), ngay sau tựa đề, tác giả nhấn mạnh:
“Nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm nhưng chủ đầu tư vẫn tin có lãi nếu xét cả vòng đời 30 năm”.
Chắc chắn rằng con số trên đây sẽ là chưa đầy đủ, vì “văn hóa báo cáo” của Việt Nam từ xưa nay là vậy. Số liệu công khai bao giờ cũng được cân nhắc, tính toán… phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền.
Tính ra, mỗi năm lỗ là 653 tỷ đồng, và như vậy mỗi ngày, Nhân Dân Việt Nam bù lỗ cho Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, khoảng 1,79 tỷ đồng. Không biết, trên thế giới có nước nào làm ăn kiểu như vậy không?
Theo nhận định của người viết bài này, với sự lỗ lã như thế, và trong điều kiện hiện nay của Đất nước, thì chắc chắn rằng, Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên sẽ phải dừng hoạt động, chí ít là một nhà máy. Có điều, tuyên bố dừng ngay thì rất bẽ mặt với dư luận, đặc biệt là giới trí thức nước nhà. Mặt khác, nếu nhìn những công trình, hạng mục công trình thi công dở dang sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt” dưới khí hậu khắc nghiệt của Tây Nguyên, nhiều người thấy xót của mà phải cố gắng đầu tư tiếp chăng?
Tuy nhiên, có vẻ như đã có một tín hiệu để “chữa cháy” cho Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên rồi thì phải?
Ngày 08.4.2014, trong bài viết Bà chủ TH True Milk: “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi” (2), tác giả cho biết: “Cuối tuần qua, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắc Nông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bìnhnói, nếu tỉnh đảm bảo quy hoạch được quỹ đất đủ lớn, có kết nối giao thông, ông sẽ bàn và xúc tiến đưa mô hình của hãng sữa TH True Milk vào”.
Bài báo còn dẫn lời bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH – đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk: “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau ba năm. Chúng tôi không chỉ làm sữa, mà còn cả trồng rừng, dược liệu và du lịch sinh thái”.
Dẫn chứng cho sự thành công của mình như đã từng đầu tư tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), cuối bài viết trên, bà Thái Hương còn cho biết: “trước đây nhiều hộ dân phải đi vay ngân hàng để lo toan cuộc sống, thì nay, qua tham gia dự án, công việc ổn định và họ đã dư giả tiền để gửi ngược trở lại…”.
Giải pháp nào cho Nhân Cơ?
Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình, lặng lẽ đi Đăk Nông là cả một câu hỏi lớn đặt ra với Nhà máy bôxít Nhân Cơ. Phải chăng, ông Bình đi Đăk Nông lần này là nhằm tìm ra một giải pháp cho “hậu” Nhân Cơ?
Việc dừng lại hay tiếp tục đầu tư để rồi chịu lỗ trong vòng 5-15 năm tiếp theo là cả một vấn đề thuộc loại “tiến thoái lưỡng nan” đối với không chỉ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), với Bộ Công thương, mà ngay cả Chính phủ, và cấp cao nhất là Bộ Chính trị (thực ra, như mọi người đã biết, đối với Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, thì TKV hay Bộ Công thương, chỉ là pháp nhân mang đầu chịu nhục thay cho Bộ Chính trị mà thôi).
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên dừng Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, ở đây xin có mấy ý kiến cụ thể:
1. Mạnh dạn dừng Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, ngay trước mắt là đối với Nhân Cơ; thay vì mang tiền để đầu tư hoàn thiện nhà máy, thì hãy mang tiền đó cho Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk của bà Thái Hương) vay ưu đãi (ước khoảng 500 đến 1.000 tỷ đồng), theo đó, tiến hành hoàn thổ, để trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa.
2. Giao lại cho Tập đoàn TH cơ sở Nhà máy Nhân Cơ đã đầu tư (không tính tiền), để Tập đoàn TH có thể tận dụng được thứ nào hay thứ đó, làm kho bãi, văn phòng làm việc, và nhà máy chế biến sữa sau này…
3. Việc hoàn thổ, sau đó trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa, có thể khó khăn ban đầu về nguồn nước tưới đối với việc trồng cỏ (trong bài trên, bà Thái Hương cũng có nói đến khó khăn về hạ tầng giao thông, nguồn nước... khi đầu tư vào Tây Nguyên); tuy nhiên, với trách nhiệm của một tập đoàn tư nhân trước tài sản của mình, rõ ràng Tập đoàn TH sẽ có cách làm phù hợp khi kết hợp với nông dân trong việc hoàn thổ và triển khai trồng cỏ và chăn nuôi bò.
Trước đây, việc trồng cà phê cũng cần nước tưới, thì trồng cỏ cũng vậy thôi, bà con nông dân có thể được Tập đoàn TH đầu tư, ứng vốn để khoan giếng, làm thủy lợi nhỏ… để đáp ứng tưới tiêu cho đồng cỏ vào mùa khô… (một số hồ còn lại trong phạm vi dự án sẽ là các hồ chứa nước để trồng cỏ cũng như cà phê…).
4. Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên chắc chắn sẽ đi đến thất bại hoàn toàn. Việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với dự án này ngay từ bây giờ, sẽ không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ mang đổ xuống sông, xuống biển… với cách làm trên, còn giúp nông dân ổn định trở lại và có nền tảng phát triển cho cả một địa bàn chiến lược Tây Nguyên giáp biên giới Campuchia đang bị Trung Quốc thuê đất 99 năm (?!).
Hy vọng các vị có lương tâm ở KTV hãy cất tiếng nói trung thực, qua đó giúp cho Chính phủ đưa ra một giải pháp đúng đắn nhất đối với Dự án khai thác bôxít Tây Nguyên, mang lại rất nhiều rủi ro này.
08.4.2014
Bài tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét