Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Mẹ ơi !


Mẹ ơi!!! 1
Lưu Cương là một phạm nhân phạm tội trộm cắp, vào tù đã một năm rồi, mà không có ai tới thăm. Nhìn thấy những bạn tù khác, cứ dăm bữa nửa tháng lại có người tới thăm, mang bao nhiêu đồ ăn ngon theo, Lưu Cương chạnh lòng, viết thư cho bố mẹ tới thăm mình, không phải vì thèm ăn uống, mà là vì nhớ bố mẹ.
Sau bao nhiêu bức thư gửi đi mà không có hồi đáp, Lưu Cương nghĩ, bố mẹ đã bỏ rơi anh ta rồi. Bao nhiêu đau thương và tuyệt vọng, anh ta gửi bức thư cuối cùng: “Nếu bố mẹ vẫn không đến, thì họ sẽ mãi mãi không còn đứa con trai này nữa„.
Đó không phải là lời nói trong lúc tức giận. Đã có mấy tù nhân phạm trọng tội rủ anh ta vượt ngục, chỉ có điều anh ta chưa có quyết tâm thôi. Giờ bố không yêu, mẹ không thương, thì còn gì níu giữ anh ta nữa, còn gì để lo lắng nữa đây.
Hôm đó thời tiết rất lạnh, Lưu Cương đang cùng “đồng bọn” bàn cách vượt ngục, thì đột nhiên quản giáo gọi: “Lưu Cương, có người đến thăm”. Là ai vậy nhỉ? Lưu Cương líu ríu bước chân theo quản giáo, nhìn thấy người đó, Lưu Cương lặng người. Là mẹ. Một năm không gặp, mẹ đã thay đổi đến mức suýt nữa anh ta không nhận ra được. Mái tóc đã bạc hết, lưng còng thêm bao nhiêu, người gầy gò ốm yếu, quần áo bạc màu và có vài chỗ thủng, bên cạnh là hai chiếc túi vải đã sờn rách.
Không đợi Lưu Cương cất lời, nước mắt mẹ đã thổn thức chảy. Mẹ vừa lau mắt, vừa nói: “Lưu Cương, mẹ đã nhận được thư con. Đừng trách bố nhẫn tâm, thực ra là do không dậy được nên mới… Bố con đang ốm, mà đường thì lại xa…”. Lúc này, viên quản giáo bưng một bát mì tới trước mặt mẹ, nói: “Mời bác ăn bát mì rồi hãy nói chuyện”.
Mẹ Lưu Cương vội đứng dậy, xua tay: “Tôi không dám nhận, không dám nhận”. Viên quản giáo lại đặt đôi đũa vào tay mẹ Lưu Cương, cười cười: “Mẹ cháu cũng tầm tuổi như bác, ăn một bát mì do con trai mời có gì mà không dám chứ?”. Mẹ Lưu Cương cảm động lắm, nói “Cảm ơn cậu”, rồi ăn. Nhìn mẹ ăn ngon như là bao nhiêu ngày rồi chưa được ăn cơm vậy.
Đợi mẹ ăn xong, Lưu Cương nhìn đôi chân vừa đỏ, vừa sưng, lại có nhiều vết xây xước của mẹ, hỏi: “Mẹ, chân mẹ sao vậy? Dép của mẹ đâu?”. Không đợi bà trả lời, viên quản giáo lạnh lùng tiếp lời: “Mẹ cậu đi bộ tới đây đấy, dép rách hết từ lâu rồi”.
Đi bộ ư? Từ nhà tới đây hơn một trăm kilomet, đường lại khó đi. Lưu Cương xót xa xoa chân cho mẹ: “Mẹ, sao mẹ không đi ô tô? Sao không mua đôi dép khác vậy?”.
Mẹ Cương duỗi chân, trả lời: “Có gì mà phải đi ô tô, đi bộ cũng được mà. Năm nay có dịch, mấy con lợn ở nhà đều đã chết sạch, mùa màng thì thất bát. Bố con lại ốm, tiêu mất nhiều tiền. Nếu bố con khỏe thì đã đến thăm con từ lâu rồi, đừng trách bố mẹ nhé”. Viên quản giáo lặng lẽ lau nước mắt, đi ra ngoài. Lưu Cương cúi đầu, hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bố con khỏe nhiều chưa vậy?”. Đợi một lúc lâu không thấy mẹ trả lời, anh ta ngẩng lên thì thấy mẹ đang lau nước mắt: “Bụi bay vào mắt nhiều quá, con hỏi bố con à. Bố con sắp khỏi rồi, chỉ nhắn nhủ con một điều: đừng trách ông ấy, cố gắng cải tạo cho tốt để sớm được về với bố mẹ”.

Thời gian thăm nom đã sắp hết. Viên quản giáo quay trở lại, tay cầm một ít tiền và nói: “Bác ơi, đây là một chút tấm lòng của mấy người quản giáo chúng cháu. Bác không thể để chân đất như vậy mà đi bộ về được, nếu không Lưu Cương sẽ đau lòng lắm. Mẹ Lưu Cương liên tục xua tay: “Không được, không được, con bác ở đây đã khiến các cậu phải vất vả rồi, sao có thể nhận tiền của các cậu được?”. Viên quản giáo run run nói: “Làm con trai, không thể đem lại hạnh phúc cho mẹ, ngược lại còn khiến mẹ đau lòng. Mẹ đã đi bộ tới đây, giờ lại đi chân đất trở về thì con trai mẹ còn đáng làm người không?”.
Lưu Cương òa khóc, mọi người có mặt trong phòng đó đều khóc theo. Một lúc sau, mới có một quản giáo trẻ tuổi cố tỏ vẻ thản nhiên nói: “Đừng khóc nữa, mẹ tới thăm con trai là một việc vui mừng, phải cười mới đúng chứ. Để xem mẹ mang đồ ăn ngon gì tới đây nào”. Vừa nói anh ta vừa mở cái túi mà mẹ Lưu Cương để bên cạnh mình ra, không ngờ bao nhiêu đồ trong đó xổ tung ra hết. Trong đó có bánh bao, bánh ngọt, kẹo… rất nhiều loại mà nhìn cũng biết là bà đi xin trên đường tới đây. Mẹ luống cuống giải thích: “Đừng trách mẹ, tại trong nhà quả là không còn thứ gì đáng giá để bán…”.

Lưu Cương như không nghe thấy lời mẹ nói, mắt nhìn chằm chằm vào cái túi thứ hai. Mở ra, trong đó là một lọ tro cốt. Lưu Cương lắp bắp hỏi: “Mẹ, đây là cái gì vậy?”. Mẹ Lưu Cương càng luống cuống căng thẳng hơn, giật lấy cái lọ ôm vào lòng: “Không, không có gì?”. Lưu Cương như phát điên, quát lên: “Mẹ, đây là cái gì?”.
Mẹ Lưu Cương gần như không còn chút sức lực nào nữa, chầm chậm ngồi xuống, mái tóc bạc trắng cứ run lên từng chập. Một lúc lâu sau, bà mới cất lời: “Đó là… bố con. Vì cố gắng kiếm tiền để đi thăm con, ông ấy làm việc bất kể ngày đêm, ai thuê gì cũng làm, kết quả là bị lao lực mà chết. Trước khi chết, ông ấy nói, chưa được nhìn thấy con lần cuối nên trong đau lòng lắm. Mẹ hứa, nhất định sẽ để ông ấy được gặp con, nên mới…”.
Trái tim Lưu Cương như bị ai bóp nghẹt. Anh ta gào lên một tiếng như xé lòng xé ruột: “Bố, con sẽ thay đổi…” Nói rồi, anh quỳ sụp xuống, dập mạnh đầu xuống đất. Bên ngoài các phạm nhân lần lượt quỳ rạp xuống đất, tiếng khóc thảm thiết vang đến tận đến trời xanh…
Nếu câu chuyện làm bạn cảm động, hãy nhấc điện thoại lên và bấm số của bố mẹ, chỉ để nói rằng: "Con yêu bố mẹ!"
Trà Giang (Nguồn Blog UNESCOVUIVE

4 nhận xét:

  1. Bài này Trâm đăng ngày 10/8 rồi, lấy tên là TÌNH MẪU TỬ. Cuối cùng còn mấy câu thơ rất hay, cảm động lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng mới đọc bài này trên blog N.Trâm. Quá cảm động.

    Trả lờiXóa
  3. Lúc người con trai tỉnh ngộ thì...đã muộn.
    Đọc xong em cứ nghĩ làm sao cho con cháu thật hiểu mình chị nhỉ...Chỉ cần chúng hiểu thôi đã ấm lòng rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Câu chuyện rất cảm động, nó làm ta nghĩ đến bổn phận làm con là phải thấu hiểu cha mẹ, đừng để mất cơ hội đến khi hiểu được cha mẹ thì đã quá muộn.Cám ơn chị ,chúc chị chiều chủ nhật vui vẻ.

    Trả lờiXóa