Trang

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA KHUYÊN VƯỢT QUA CĂNG THẲNG


ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA KHUYÊN VƯỢT QUA CĂNG THẲNG
Hải Hạnh dịch 

Dharmsala, Ấn Độ - Ở mức độ cơ bản, là người thì ai cũng giống nhau, đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Đây là lý do tại sao bất cứ khi nào tôi có cơ hội, đều lưu ý đến những người trong gia đình rằng chúng ta có chung bản chất nội tại của sự tồn tại và phúc lợi.
Ngày nay càng có nhiều sự thừa nhận qua sự phát triển và chứng minh của khoa học về sự nối kết gần giữa trạng thái của tâm và hạnh phúc. Mặt khác, nhiều người sống trong những xã hội mà vật chất quá đầy đủ, trong số đó có nhiều người không hạnh phúc. Bên dưới bề mặt đẹp của sự giàu có là loại rối loạn tinh thần, dẫn đến sự thất vọng, những cuộc cãi vã không cần thiết, phụ thuộc vào ma túy hay uống rượu, trường hợp tệ nhất là tự tử.
Giàu có không bảo đảm đem lại niềm vui hoặc sự đầy đủ mà bạn đi tìm. Khi bạn đang giận dữ hay hận thù, có bạn thân xuất hiện, bạn cũng coi như sương mù hay lạnh giá, xa lạ và bực mình.
Tiềm năng của con người là thông minh. Bên cạnh đó, con người có khả năng nhận định và trực tiếp chỉ đạo với ý thức mạnh mẽ trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy, chúng ta nhớ rằng lâu rồi có món quà kỳ diệu này và năng lực để phát triển nhận định và sử dụng một cách tích cực, ta sẽ bảo vệ sức khỏe tinh thần tiềm ẩn bên trong.
Chúng ta đang nhận ra mình có tiềm năng vĩ đại có thể cung cấp sức mạnh cơ bản. Sự thừa nhận này là động lực cho phép chúng ta đối phó với bất kỳ khó khăn. Không có vấn đề gì khi chúng ta đang đối mặt với hoàn cảnh mà không mất hy vọng hoặc rơi vào cảm xúc của lòng tự trọng thấp.
Tôi viết điều này như người mất tự do lúc 16 tuổi. Tiếp sau đó, tôi đã sống lưu vong hơn 50 năm trong suốt thời gian những người Tây Tạng đã tự cống hiến để giữ bản sắc, văn hóa và giá trị của họ. Hầu hết mỗi ngày tin tức từ Tây Tạng thể hiện sự đau lòng nhưng không phải những thử thách này đưa đến sự bỏ cuộc. Một trong những cách tiếp cận mà cá nhân tôi thấy hữu ích là để trau dồi tư tưởng. Nếu tình hình không có vấn đề như vậy, ít có thể cứu chữa được thì không cần lo lắng về nó. Nói cách khác, nếu có kết quả hay cách giải đáp cho sự khó khăn thì bạn không cần lo lắng nữa. Điều cần thiết là tìm cách tháo gỡ gút mắc và dùng năng lượng tập trung vào kết quả hơn là lo lắng về vấn đề. Như một sự lựa chọn, nếu không có giải pháp hay không có sự giải quyết nào thích hợp thì cũng không có vấn đề để lo lắng về nó vì bạn cũng không thể làm bất cứ điều gì hơn. Trong trường hợp đó, bạn nên trực tiếp đối diện với thực tế để chấp nhận sớm cho được thoải mái. Công thức này dĩ nhiên bao hàm trực tiếp đối diện vấn đề và lấy cái nhìn thực tế. Ngược lại, bạn sẽ không tìm ra hoặc không có giải pháp cho vấn đề.
Nuôi dưỡng động lực thích hợp có thể bảo vệ bạn khỏi cảm giác sợ hãi và lo âu. Nếu bạn phát tâm trong sạch và chân thành và khởi tâm giúp đỡ trên cơ sở của lòng tốt, từ bi và tôn trọng thì bạn có thể thực hiện bất kỳ loại công việc nào và làm có hiệu quả hơn với ít sợ hãi hay lo lắng, không sợ người khác nghĩ gì hoặc cuối cùng bạn sẽ thành công đạt đến mục tiêu của mình. Thậm chí bạn không đạt được mục tiêu, bạn cũng cảm thấy tốt vì bạn đã làm hết khả năng của mình. Nhưng với động cơ xấu, mọi người có thể khen ngợi hoặc bạn có thể đạt được mục tiêu, bạn vẫn không được hạnh phúc.
Đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc sống không được thỏa mãn vì thời điểm khó khăn chung đang đối đầu với mọi người. Điều này xảy ra ở những mức độ khác nhau theo thời gian. Khi điều này xảy ra, chúng ta cố gắng tìm cách để nâng cao tinh thần bằng cách nhớ lại sự thành đạt của mình. Thí dụ, chúng ta được yêu bởi một người nào đó, chúng ta có tài, được giáo dục, có thực phẩm để ăn, quần áo để mặc và nơi ở vì đã làm việc vị tha trong quá khứ. Nếu chúng ta không tìm thấy được cách nào để nâng cao tinh thần của mình thì rất nguy hiểm và rơi vào cảm giác bất lực. Điều này có thể dẫn chúng ta tới sự tuyệt vọng là mình không có năng lực làm điều gì tốt cả. Là tu sĩ Phật giáo, tôi đã học được sự đau khổ chính trong nội tâm của mình là những cảm xúc rối loạn.
Tất cả những suy nghĩ, cảm xúc và sự kiện tinh thần phản ánh trạng thái tiêu cực hoặc không từ bi của tâm, chắc chắn làm suy yếu kinh nghiệm của sự bình an nội tâm. Đó là sự hận thù, giận dữ, niềm tự hào, lòng tham, ganh tị, v.v… được coi là nguồn gốc của khó khăn, đang bị phiền não. Đồng thời, nó cũng là những gì cản trở nguyện vọng cơ bản nhất để được hạnh phúc và tránh đau khổ. Khi chúng ta thực tập nhuần nhuyễn rồi thì trở nên không biết gì đến sự tác động của mình vào người khác: Họ là nguyên nhân của hành vi phá hoại những người khác và chúng ta. Vụ giết người, bê bối,và sự lừa dối tất cả đều có nguồn gốc trong những cảm xúc rối loạn. Điều này chắc chắn đưa đến câu hỏi này - chúng ta có thể rèn luyện tâm không? Có nhiều phương pháp, nhưng trong truyền thống Phật giáo, là hướng dẫn đặc biệt gọi là rèn luyện tâm. Trong đó tập trung vào nuôi dưỡng sự quan tâm đến người khác và biến nghịch cảnh thành thuận. Đó là mô hình của tư tưởng, chuyển đổi các vấn đề thành hạnh phúc có hiệu lực cho người dân Tây Tạng để duy trì phẩm giá và tinh thần của họ khi đối mặt với những khó khăn lớn. Thật vậy tôi đã tìm thấy lời khuyên này mang lại lợi ích thiết thực tuyệt vời trong cuộc sống của riêng tôi.
Vị thầy lớn người Tây Tạng chuyên về đào tạo tâm đã từng nhận xét rằng một trong những phẩm chất của tâm tuyệt vời nhất là nó có thể được chuyển đổi. Tôi không có nghi ngờ rằng những người cố gắng để chuyển đổi tâm của họ, vượt qua những cảm xúc rối loạn đạt được cảm giác bình an bên trong thì qua khoảng thời gian sẽ nhận thấy sự thay đổi trong thái độ tinh thần và phản ứng của họ tới mọi người và các sự việc. Tâm của họ sẽ trở nên nhuần nhuyễn và tích cực hơn. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ tìm thấy cảm giác nhiều hạnh phúc riêng khi họ góp phần vào hạnh phúc lớn hơn của những người khác. Tôi cầu nguyện mọi người thực hiện mục tiêu của họ sẽ được gia hộ thành công.
ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG CẢM XÚC PHIỀN NÃO NHƯ THẾ NÀO?
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma 
Anh dịch: Alexander Berzin
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 08/07/2011

Định nghĩa về"tốt" và "xấu" hay "tích cực" và "tiêu cực"
Chúng ta đối phó với những cảm xúc tiêu cực như thế nào? Đấy là một chủ đề quan trọng - là điều sẽ đưa lên câu hỏi về tích cực là gì và tiêu cực là gì. Có bất cứ điều gì tuyệt đối là tích cực hay tuyệt đối là tiêu cực hay không? Tôi thật sự không biết. Mọi thứ là lệ thuộc tương liên và mọi thứ có những khía cạnh khác nhau. Một người quán sát nhìn vào điều gì đấy từ một góc độ và thấy một hình ảnh, nhưng ngay cảcùng một người quán sát, khi họ đi đến một phía khác, sẽ thấy mọi thứ từ một góc độ khác.
Thếthì, tại sao mỗi người có một cái nhìn khác biệt về thế giới? Ô, đấy là bởi vì mỗi chúng ta nhìn vào thế giới từ một khía cạnh khác nhau. Ngay cả cùng một đối tượng nhìn khác biệt thậm chí đến cùng một người. Do vậy, điều gì là sự phân biệt và định nghĩa về tốt và xấu? - Tôi không biết. Ngay cả một con kiến cũng không phân tích điềuấy. Nhưng, thế nào đấy, một con kiến biết rằng điều gì đấy giúp đời sống của nó là tốt và vì thế cho nó là tốt; và điều gì đấy nguy hiểm cho sự sống của nó và nó cảm thấy là xấu và nó chạy trốn chỗ khác.
Vậy thi, có lẻ chúng ta có thể nói rằng [vấn đề tốt hay xấu] là căn cứ trên sự sinh tồn. Chúng ta muốn thoãi mái và hạnh phúc. Và vì thế điều gì đấy giúp cho sựtồn tại, chúng ta cho là tốt: điều ấy tích cực. Điều gì tấn công chúng ta và chúng ta cảm thấy là một hiểm họa cho sự sinh tồn của chúng ta - chúng ta cảm thấy xấu: [điều ấy là tiêu cực].
Định Nghĩa về Những "Cảm Xúc Tiêu Cực"
Theo cách ấy [về việc định nghĩa tích cực và tiêu cực], sau đó về vấn đề chúng ta đối phó với những cảm xúc tiêu cực như thế nào, [chúng ta đầu tiên cần đối diện] với việc chúng ta xác định chúng như thế nào? Trước tiên nhất, đây là những thứ quấy nhiễu sự hòa bình nội tại của chúng ta, đó là tại sao chúng ta gọi chúng là "tiêu cực". Những [cảm xúc]đem đến sức mạnh và hòa bình nội tại, thì những thứ ấy là "tích cực".
Từnhững đàm luận mà tôi đã có với những nhà khoa học, đặc biệt với nhà khoa học lớn Varela, một người bạn thân của tôi, chúng tôi đã kết luận rằng lòng từ bi mạnh mẽ là một cảm xúc và lợi ích thiết yếu. Chúng tôi đã đồng ý sau đó rằng, ngay cả tâm của Đức Phật cũng có một sốcảm xúc nào đấy trong dạng thức của từ bi; vì thế cảm xúc không nhất thiết làđiều gì đấy xấu hay tiêu cực. Lòng từ bi vô hạn của Đức Phật - chúng ta phải xem như là một cảm xúc. Thế nên Đức Phật là cảm xúc vô biên. Nếu chúng ta xem từ bi là một cảm xúc, thếthì nó là rất tích cực. Sợ hãi và thù hận, trái lại, tàn phá sự hòa bình nội tại và hạnh phúc, vì vậy chúng ta phải xem nó là những thứ tiêu cực.
Đối Phó với những Cảm Xúc Tiêu Cực trên Căn Bản của Lý Trí
Bây giờ chúng ta đối phó với [những cảm xúc tiêu cực như] sợ hãi và thù hận như thếnào? Chúng ta cần xem những cảm xúc tổn hại không có ý nghĩa căn bản. Chúng đến từ một thái độ không thực tế [bệnh hoạn]; trái lại những cảm xúc tích cực thườngđến từ một căn bản lành mạnh hợp lý. Thí dụ, một số cảm xúc nào đấy có thể được tăng trưởng qua lý trí và luận lý [logic]; do thế chúng có căn bản hợp lý vững chãi. Một cảm xúc tiêu cực sinh khởi một cách tự động, nhưng khi chúng ta áp dụng sự phân tích và lý trí sau đó chúng giảm thiểu: chúng không có căn bản hợp lý. Do vậy, một cảm xúc tích cực là điều gì đấy liên hệ đến thực tại, và một cảm xúc tiêu cực là căn cứ trên điều gì đấy bị bóp méo về thực tại hay vô minh si ám.
Thí dụ, khi chúng ta giận dữ với một kẻ thù, tại thời điểm sân hận làm dường như những hành động của chúng có thể làm tổn hại tôi. Do thế, chúng ta nghĩ rằng đây là một người xấu. Nhưng khi chúng ta phân tích, [chúng ta nhận ra rằng] con người này không phải là một kẻ thù bẩm sinh. Nếu họ làm tổn thương tôi, nó phải qua những lý do khác, không phải chính từ người ấy. Nếu người ấy thật sự là đặc trưng của "kẻ thù", chúng phải là một kẻ thù từ khi sinh ra và họ sẽ không bao giờ trở thành một người bạn. Nhưng, trong những hoàn cảnh khác, ho có thểtrở thành những người bạn thân của chúng ta. Do vậy, sân hận và thù oán đối với một người là sai lầm.
Những gì sai là trong hành động của họ, không phải là người ấy. Nhưng với lòng sân hận [chỉ căn cứ trên và vì những hành vi tiêu cực của ai đấy] là hướng trực tiếp đến người ấy. Trái lại, lòng từ bi hầu như hướng đến con người bất chấp hành động của họ [là tiêu cực hay tích cực]. [Lòng từ bi ban rãi không phân biệt hành động của người là đúng hay sai]. Do vậy, chúng ta có thể có từ bi cho một kẻ thù trên căn bản kẻ thù ấy là một con người.
Vì thế, chúng ta phải phân biệt con người và hành động của con người. Về phía nhân loại, con người, chúng ta có thểcó từ bi, nhưng đối với hành động chúng ta có thể có đối kháng. Do vậy, cảm xúc tiêu cực thông thường là với một tâm ý hẹp hòi. Nó tập trung chỉ trên một khía cạnh: [những hành động sai quấy của ai đấy].
Nhưng việc quan tâm đến từ bi, chúng ta phải thực hiện một sự phân biệt. Có lòng từ bi căn cứ trên một nhân tốsinh lý học. [Loại từ bi này căn cứ trên ai đấy làm lợi ích cho chúng ta, như những bà mẹ của chúng ta, nên còn gọi là luyến ái]. Hay chúng ta nòi về lòng từ bi căn cứ trên lý trí, là điều không thiên vị hay định kiến? Từ bi căn cứ trên lý trí là thánh thiện hơn, nó không bị thành kiến - nó căn cứ trên lý trí. Nó tập trung trên con người chứ không trên hành vi. Một cảm xúc tiêu cực chỉ căn cứtrên hành động không hợp lý và hơn thế nữa, nó không mang đến hạnh phúc.
Phân Tích những Bất Lợi của Cảm Xúc Tiêu Cực như Sân Hận
Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực, thế thì, điều quan trọng nhất là phân tích. Thí dụ, có bao nhiêu lợi ích từ sựsân hận mà tôi thu được? Sân hận đem đến nhiều năng lượng rất mạnh, điều ấy đúng. Ngay cả trong những biểu lộ trên khuôn mặt và lời nói hằng ngày chúng ta có thể thấy điều này. Khi chúng ta sân hận, cả hai thứ này rất xấu xí thô tháo. Chúng ta trở nên bị thúc bách để quyết định chọn những từ ngữ gay gắt cay nghiệt nhất có thể làm tổn thương người khác. Rồi thì, khi sân hận hết đi, năng lượng rất mạnh mẽ và bạo động chìm xuống, và tâm thức thật sự cảm thấy sắc bén hơn. Do vậy, năng lượng đem đến sân hận là loại năng lượng mù quáng [bởi vì tâm thức không sắc bén khi chúng ta có sân hận.] Do bởi điều ấy, sân hận thật sựkhông bao giờ giúp ích; trái lại nếu chúng ta luôn luôn sử dụng sự tiếp cận thông minh, thực tiển thì điều ấy có thể giúp ích chúng ta rất nhiều. Ngay cả trong tòa án, nếu một luật sự la hét trong giận dữ, điều ấy sẽ không giúp ích gì; trái lại nếu luật sư sử dụng sựthông minh, sau đó họ có thể đánh bại người khác.
Sân hận, thế thì, phá hoại khả năng của thông minh để thể hiện chức năng một cách rõ ràng. Sự phán xét của chúng ta có thểbị tổn hại bởi những ngôn ngữ nói trong khi giận dữ. Vì thế qua thông minh, chúng ta có thể thấu hiểu rằng sân hận là không lợi ích. Nếu trong những hoàn cảnh khó khăn và đe dọa, chúng ta có thể tiến hành những hành vi truy cập qua thông minh, điều ấy lợi ích hơn. Nói cách khác, trong khi giữ từ bi đối với người khác, chúng ta mở ra khả năng trở nên thân hữu sau này. Nếu chúng ta sân hận, điều ấy sẽ đóng cánh cửa của bất cứ khả năng thân hữu nào sau này. Suy nghĩ như thế, cảm xúc tiêu cực có thể giảm thiểu. Ngay cả nếu tái diễn lại, nó cũng sẽ yếu kém hơn.
ĐỐI PHÓ VỚI SÂN HẬN VÀ CẢM XÚC
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Geshe Thupten Jinpa
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 24/08/2011

Sân hận và thù oán là hai trong số những người bạn gần gũi nhất của chúng ta. Khi còn trẻ, tôi đã có một mối quan hệ rất gần gũi với giận dữ. Cuối cùng tôi thấy nhiều sự bất hòa (!) với giận dữ. Bằng việc sửdụng ý thức thông thường, với sự hổ trợ của từ bi và tuệ trí, bây giờ tôi có một biện luận đầy năng lực để đánh bại sân hận.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, rõ ràng rằng nếu mỗi cá nhân thực hiện nổ lực ,sauđó người ấy có thể thay đổi. Dĩ nhiên, thay đổi không phải ngay lập tức mà nó cần nhiều thời gian. Nhằm để thay đổi và đối phó với những cảm xúc, phân tích tư tưởng là lợi lạc, xây dựng và hữu ích cho chúng ta một cách thiết yếu. Tôi muốn nói một cách chủ yếuđối với những tư tưởng làm cho chúng ta tĩnh lặng hơn, thư thái hơn, và nhữngđiều ban hòa bình cho tâm tư chúng ta, chống lại những tư tưởng tạo nên băn khoăn, sợ hãi và thất vọng. Sự phân tích này tương tự với điều mà chúng ta có thể sử dụng cho những thứ ngoại tại, nhưthực vật. Một số cây cỏ, bông hoa, và trái cây là tốt lành cho chúng ta, vì thế chúng ta sử dụng và trồng trọt chúng. Những thứ cây cỏ nào độc hại hay tổn thương chúng ta, chúng ta nghiên cứu,nghe biết để nhận ra và đôi khi tiêu trừ chúng.
Có một sự tương tự với thế giới nội tại. Thậtđơn giản để nói về "thân thể" và "tâm thức". Trong thân thể có hàng tỉ hạt [vi tế]. Tương tự thế, có nhiều tư tưởng khác nhau và một sự đa dạng thể trạng của tâm thức. Thật là thông tuệ để có một cái nhìn vào trong thế giới tâm thức của chúng ta và làm một sự phân biệt giữa những thể trạng lợi ích và tổn hại của tâm thức. Một khi chúng ta có thể nhận ra giá trị của những thể trạng tốt lành của tâm thức, chúng ta có thể củng cốhay nuôi dưỡng chúng.
Đức Phật đã dạy về những nguyên tắc của Bốn Chân Lý Cao Quý[1]và những điều này hình thành nền tảng của Phật Pháp. Chân Lý Thứ Ba là sự chấm dứt (diệt đế). Theo Long Thọ, trong phạm vi chấm dứt này có nghĩa là thể trạng của tâm thức hay phẩm chất tinh thần qua sự thực tập và nổ lực, chấm dứt tất cả mọi cảm xúc tiêu cực. Long Thọ xác định sự chấm dứt chân thật như một tình trạng mà trong ấy cá nhân đã đạt đến một thể trạng toàn hảo của tâm thức tự do khỏi những tác động của các phiền não đa dạng của những cảm xúc và tư tưởng tiêu cực. Một thể trạng chấm dứt thật sự như vậy, theoĐạo Phật, là Giáo Pháp chân thật và vì thế là nơi nương tựa mà tất cả những sựthực hành Phật Pháp tìm cầu. Đức Phật trởthành một đối tượng nương tựa, đấng tôn kính, bởi vì Đức Phật thực chứng thể trạngấy. Do thế, sự tôn kính của một người đối với Đức Phật, và lý do mà người ta tìm cầu sự quy y với Đức Phật, không phải bởi vì Đức Phật là một người đặc biệt từ lúc đầu, nhưng bởi vì Đức Phật thân chứng thể trạng chấm dứt chân thật (diệtđế). Tương tự thế, cộng đồng tâm linh, hay Tăng Già, được xem như một đối tượng để nương tựa bởi vì những thành viên của cộng đồng tâm linh là những cá nhân hoặc là đã hay đang dấn thân trong con đườngđưa đến thể trạng diệt đế ấy.
Chúng ta thấy rằng thể trạng chân thật ấy có thể được hiểu chỉ trong những dạng thức của một thể trạng tự tại khỏi những cảm xúc tiêu cực hay là điều đã được tịnh hóa những tư tưởng bất thiện qua việc áp dụng những sự đối trị và năng lực đối kháng. Sự chấm dứt chân thật là một thểtrạng của tư tưởng và những nhân tố đưađến điều này cũng là những chức năng của tâm thức. Cũng thế, căn bản mà trên ấy sự tịnh hóa có thể diễn ra là sự tương tục của tinh thần. Do vậy, một sự thấu hiểu về bản chất tự nhiên của tâm thức là thiết yếu cho sự thực hành Phật Pháp. Bằng việc nêu lên điều này, tôi không muốn nói rằng mọi thứ hiện hữu đơn giản là sự phóng chiếu hay phản chiếu của tâm thức và rằng tách rời khỏi tâm thức thì không có gì tồn tại. Nhưng do bởi tầm quan trọng của sự thấu hiểu về bản chất tự nhiên của tâm trong sự thực hành Phật Pháp, nên người ta thường diễn tả Đạo Phật như một "khoa học của tâm thức".
Nói một cách tổng quát, trong kinh luận Đạo Phật, một cảm xúc hay tư tưởng tiêu cựcđược định nghĩa như "một tình trạng tạo ra quấy nhiễu trong tâm thức con người." Những cảm xúc và tư tưởng phiền não này là những nhân tố tạo nên khổ sở và rối loạn trong chúng ta. Cảm xúc trong tổng quát không nhất thiết làđiều gì đấy tiêu cực. Tại một hội nghịkhoa học mà tôi tham dự cùng với nhiều nhà tâm lý học và thần kinh học, đã kết luận rằng ngay cả những vị Phật cũng có cảm xúc, theo sự định nghĩa cảm xúc thấy trong những nguyên tắc khoa học đa dạng. Vì thế bi mẫn (karuna - lòng ân cần tử tế vô hạn) có thể được diễn tảnhư một loại cảm xúc.
Một cách tự nhiên, cảm xúc có thể tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, khi nói về sân hận hay giận dữ,v.v..., chúng ta đang đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực là những thứ tạo ra một loại khổ sở hay không thoải mái ngay lập tức, và là những thứ về lâu dài, tạo nên những loại hành động nào đấy. Những hành động này căn bản đưa đến tồn hại người khác, và điều này mang đau đớn hay khổ sở đến chính người ấy. Đây là những gì chúng tôi muốn nói qua cảm xúc tiêu cực.
Một cảm xúc tiêu cực là sân hận. Có lẽ có hai loại sân hận. Một loại sân hận có thểchuyển hóa thành cảm xúc tích cực. Thí dụ,nếu một người có một động cơ từ bi chân thật và quan tâm đến người nào đấy, và người ấy không lưu ý đến cảnh báo của mình về hành vi của người ấy, rồi thì không có lựa chọn nào ngoại trừ việc sử dụng một loại sức mạnh nào đấy để chấm dứt hành vi sai lầm của người ấy. Trong sự thực hành Mật tông tantra, có những loại kỷ năng thiền quán cho phép chuyển hóa năng lượng của sân hận. Đây là lý do ẩn tàng phía sau những bổn tôn phẩn nộ. Trong căn bản của động cơ từ bi, sân hận có thể hữu ích trong một vài trường hợp bởi vì nó cho chúng ta năng lượng bổ sung đặc biệt và có thể cho phép chúng ta hành động một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, sân hận thường đưa đến thù oán và thù hận luôn luôn là tiêu cực. Thù hận nuôi dưỡng ý chí bệnh hoạn. Tôi thường phân tích sân hận trong hai cấp độ:trên cấp độ căn bản của loài người và trên cấp độ của Đạo Phật. Từ cấp độ của con người, không có bất cứ sựliên hệ nào với một truyền thống hay lý tưởng tôn giáo, chúng ta có thể nhìn vào căn nguyên sự hạnh phúc của chúng ta: thân thể mạnh khỏe, phương tiện vật chất thuận lợi, và những người đồng hành hữu hảo. Bây giờ từ vị thế của sức khỏe, những cảm xúc tiêu cực như thù hận là rất tệ hại. Vì con người thông thường cố gắng chăm sóc sức khỏe của họ, một kỷ năng người ta có thể dùng là thái độ tinh thần của họ. Tình trạng tinh thần của chúng ta phải luôn luôn trầm tĩnh. Ngay cả nếu một sự băn khoăn nào xảy ra, nhưnó luôn luôn ràng buộc với đời sống chúng ta phải luôn luôn tĩnh lặng. Giống như sóng sinh khởi từ nước, và hòa tan trở lại trong nước, những sự quấy nhiễu này rất ngắn, vì thể chúng không ảnh hưởng thái độ tinh thần căn bản của chúng ta. Mặc dù chúng ta không thể loại trừ tất cả những cảm xúc tiêu cực, nếu thái độ tinh thần căn bản của chúng ta là lành mạnh và trầm tĩnh, nó sẽ không bị ảnh hường nhiều. Nếu chúng ta duy trì tĩnh lặng, áp suất của máu, v.v... sẽ duy trì ở mức độ bình thường và như một kết quả sức khỏe của chúng ta sẽ cải thiện. Trong khi tôi không thể nói một cách khoa học tại sao điều này là như vậy, thì tôi tin tưởng rằng điều kiện thân thể của chính tôi đang cải thiện khi tôi già hơn. Tôi đã và đang dùng cùng một loại thuốc, cùng một bác sĩ, cùng một thứ thức ăn, vì thế điều này phải là xuyên qua tình trạng tinh thần của tôi. Một số người nói với tôi, "Ngài phải có một loại thuốc men đặc biệt của Tây Tạng." Nhưng tôi không có!
Nhưtôi đã đề cập phía trước, khi tôi còn trẻ, tôi khá dễ nổi nóng. Đôi khi tôi xin lỗi điều này bằng việc nói rằng tại vì cha tôi hay nổi giận, giống như nó là một loại di truyền. Nhưng thời gian trôi qua, tôi nghĩ rằng bây giờ tôi hầu như không có thù hận đối với bất cứ người nào, kể cả những người Trung Cộng đang tạo nên khốn khó và khổ đau cho đồng bào Tây Tạng của tôi. Thậm chí đối với họ, tôi thật sự không cảm thấy bất cứ loại thù oán nào.
Một số người bạn thân của tôi bị áp huyết cao, tuy thế sức khỏe của họ chưa bao giờ đi đến tình trạng nghiêm trọng và họ chưa bao giờ cảm thấy mệt mõi. Trải qua nhiều năm, tôi đã gặp một số hành giảrất tinh chuyên. Trong lúc ấy, có một sốngười bạn khác có tiện nghi vật chất rất tốt, nhưng khi chúng tôi bắt đầu nói, sau một vài lời lịch sự khởi đầu, họ bắt đầu phiền hà và đau buồn. Mặc cho sự giàu có vật chất của họ, những người này không có sự tĩnh lặng hay bình an của tâm hồn. Như một kết quả, họ luôn luôn lo lắng về sựtiêu hóa, giấc ngủ của họ, mọi thứ! Do thế, rõ ràng rằng sự tĩnh lặng của tâm tư là một nhân tố rất quan trọng cho sức khỏe tốt lành. Nếu quý vị muốn sức khỏe tốt, đừng hỏi bác sĩ, mà hãy nhìn vào chính quý vị. Hãy cố gắng sử dụng khả năng nào đấy của quý vị. Điều này thậm chí không tốn tiền gì cả!
Nguồn gốc thứ hai của hạnh phúc là những phương tiện vật chất. Thỉnh thoảng khi tôi thức giấc vào buổi sáng sớm, nếu tâm trạng của tôi không quá tốt đẹp, sau đó khi nhìn đồng hồ, tôi không cảm thấy thoải mãi, do bởi tâm trạng của tôi. Rồi thì trong những ngày khác, có lẽ qua kinh nghiệm của ngày trước, khi thức dậy, tâm trạng của tôi dễ chịu và an bình. Vào lúc ấy, khi tôi nhìn đồng hồ đeo tay của tôi, và tôi thấy nó như cực kỳ đẹp đẻ. Nhưng đấy cùng là một đồng hồ thôi, có phải không? Sự khác biệt đến từ thái độ tinh thần của tôi. Việc sử dụng các phương tiện vật chất cung cấp sự hài lòng chân thật hay không tùy thuộc vào thái độ tinh thần của chúng ta.
Phương tiện vật chất của chúng ta sẽ là tệ hại nếu tâm tư chúng ta bị khống chế bởi sân hận. Để nói một lần nữa về kinh nghiệm của chính tôi, khi tôi còn trẻ, đôi khi tôi sửa chửa những đồng hồ đeo tay. Tôi cố gắng và thất bại nhiều lần. Đôi khi tôi đánh mất sự kiên nhẫn của mình và đập chiếc đồng hồ! Trong những thời khắc ấy, sự giận dữ làm thay đổi thái độ của tôi hoàn toàn và sau đó tôi lấy làm tiếc vì những hành động của tôi. Nếu mục tiêu của tôi là sửa chửa đồng hồ, thếthì tại sao tôi đập nó trên bàn? Một lần nữa, quý vị có thể thấy thái độ tinh thần của một người là thiết yếu nhằm để sửdụng những phương tiện vật chất cho sựtoại nguyện hay lợi ích chân thật của chúng ta.
Nguồn gốc thứ ba của hạnh phúc là những người đồng hành của chúng ta. Rõ ràng rằng khi chúng ta tĩnh lặng tinh thần, chúng ta lịch sự và cởi mở tâm tư. Tôi sẽcho một thí dụ. Có lẽ 14 hay 15 năm vềtrước, có một người Anh Quốc tên là Phillips, người có một mối liên hệ với chính quyền Trung Cộng, kể cả Chu Ân Lai và những lĩnh tụ khác. Ông ấy biết họ trong nhiều năm và ông là bạn thân của những người Hoa. Một lần nọ vào năm 1977 hay 1978, Phillips đã đến Dharamsala để gặp tôi. Ông mang đến một số phim và nói với tôi về những khía cạnh tốt đẹp của Trung Hoa. Vào lúc mở đầu cuộc gặp gở, có một sự khác biệt lớn lao giữa chúng tôi, vì chúng tôi đã có những ý tưởng khác biệt nhau. Trong quan điểm của ông, sự hiện diện của Trung Cộng ở Tây Tạng là điều gì đấy tốt đẹp. Trong ý kiến của tôi, và theo một số báo cáo, tình trạng là không tốt. Như thông thường, tôi không có cảm giác tiêu cực đặc thù gì với ông ta. Tôi chỉ cảm thấy là ông ta giữ những quan điểm này qua sự thiếu hiểu biết. Với sự cởi mở,tôi đã tiếp tục cuộc đối thoại của chúng tôi. Tôi tranh cải rằng những người Tây Tạng đã tham gia Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào đầu năm 1930 và những người đã tham dự trong cuộc chiến tranh Hoa - Nhật và đã chào mừng sự xâm lược của Trung Cộng và nhiệt tình hợp tác với những người Trung Cộng đã làm như thế vì họ tin rằng đấy là một cơ hội bằng vàng để phát triển Tây Tạng, từ quan điểm của tư tưởng Marxist. Những người này đã hợp tác với người Hoa vì hy vọng chân thành. Sau đó, khoảng những năm 1956 hay 1957, hầu hết những người ấy đã bị gạt bỏ khỏi đủ loại cơ quan của Trung Cộng, một số bị cầm tù, và những người khác bị mất tích. Do thế, tôi đã giải thích rằng chúng tôi không chống người Hoa hay chống Cộng. Trong thực tế, đôi khi tôi nghĩ chính mình như một người phân nửa Marxist và phân nửa Phật tử. Tôi đã giải thích tất cả những thứkhác nhau đến ông ta với một động cơ chân thành và cởi mở và sau một thời gian thái độ ông ta hoàn toàn thay đổi. Thí dụnày cho tôi một sự niềm tin nào đấy rằng nếu có một sự khác biệt ý kiến lớn lao, chúng ta vẫn có thể đối thoại trên trình độ con người. Chúng ta có thể đặt qua một bên những ý tưởng khác nhau và đối thoại như những con người. Tôi nghĩ rằng đấy là một cách để tạo nên những cảm giác tích cực trong tâm tư những người khác.
Cũng thế, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu vị Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn này cười ít hơn, có lẽ tôi sẽ có ít bạn bè hơn ở những nơi khác nhau. Thái độ của tôi đối với người khác là luôn luôn nhìn vào họ từ trình độ loài người. Trên trình độ ấy, cho dù tổng thống, nữ hoàng hay hành khất, không có gì khác biệt, những con người biểu lộ rằng có cảm giác con người chân thành với một nụ cười con người chân thành tác động.
Tôi nghĩ rằng trong cảm giác con người chân thành có giá trị hơn là trong thân phận[2],v.v... Tôi chỉ là một con người giản dị. Qua kinh nghiệm và nguyên tắc đạo đức tinh thần, một thái độ quan điểm mới nào đấyđã phát triển. Điều này không có gì đặc biệt. Quý vị, những người tôi nghĩ đã có một nền học vấn tốt hơn và kinh nghiệm hơn chính tôi, có khả năng hơn để thay đổi chính quý vị. Tôi đến từ một làng quê nhỏ bé không có sựgiáo dục hiện đại và không có sự tỉnh thức sâu xa về thế giới. Cũng thế, từ lúc mười lăm hay mười sáu tuổi tôi đã mang lấy một gánh nặng không thể tưởng được. Do vậy, mỗi người quý vị phải cảm thấy rằng quý vị có một khả năng lớn và đấy, với sự tự tin và một ít nổ lực hơn, có thể thật sự thay đổi nếu quý vị muốn. Nếu quý vị cảm thấy rằng lối sống hiện tại của quý vị là không vui hay có những khó khăn nào đấy, thế thì đừng nhìn vào những thứ tiêu cực này. Hãy thấy phía tích cực, năng lực, và thực hiện một nổ lực. Tôi nghĩ rằng ở điểm ấy đã có một loại nào đấy bảo đảm thành công từng bộ phận. Nếu chúng ta sử dụng tất cả năng lượng tích cực của con người hay những phẩm chất của con người, chúng ta có thể vượt thắng những vấn nạn này của loài người.
Do vậy, cho đến khi mà sự tiếp xúc của chúng ta với đồng loại con người được quan tâm, thái độ tinh thần của chúng ta là rất quan yếu. Ngay cả đối với những người không tín ngưỡng, chỉ là một con người giản dị ân cần, cội nguồn căn bản của hạnh phúc là trong thái độ tinh thần của chúng ta. Thậm chí nếu quý vị có sức khỏe tốt, những phương tiện vật chất được sử dụng trong cung cách thích đáng, và những mối quan hệ tốt với những con người khác, nguyên nhân chính của một đời sống hạnh phúc là ở trong ấy. Nếu quý vị có nhiều tiền đôi khi quý vị lại có nhiều lo lắng hơn và quý vị vẫn cảm thấy thèm muốn hơn nữa. Một cách căn bản, quý vị trở thành nô lệ của tiền của. Trong khi tiền của là rất hữu ích và cần thiết, nó không phải cội nguồn quan yếu của hạnh phúc. Tương tự thế, học vấn, nếu không quân bình hợp lý đôi khi có thể tạo nên nhiều rắc rối hơn, băn khoăn hơn, tham lam hơn, thèm khát hơn, và tham vọng hơn - nói tóm lại, khổ đau tinh thần hơn. Bạn bè cũng thế, đôi khi rất phiền phức.
Bây giờ quý vị có thể thấy giảm đến mức tối thiểu sân hận và thù oán như thế nào. Đầu tiên, điều cực kỳ quan trọng là nhận ra tính tiêu cực của những cảm xúc này trong phổ quát, đặc biệt là thù oán. Tôi xem thù oán là kẻ thù chính yếu. Bằng chữ "kẻ thù" tôi muốn nói cá nhân hay nhân tố trực tiếp hay gián tiếp phá hoại sự quan tâm của chúng ta. Sự quan tâm của chúng ta là những gì căn bản tạo nên hạnh phúc.
Chúng ta cũng nói về kẻ thù ngoại tại. Thí dụ,trong trường hợp của riêng tôi, những anh chị em Trung Cộng đang tiêu diệt những quyền của người Tây Tạng và trong cách ấy, khổ đau và khoắc khoải hơn tăng trưởng. Nhưng bất chấp điều này mãnh liệt như thếnào, nó không thể phá hoại cội nguồn siêu việt hạnh phúc của tôi, đấy là sựtĩnh lặng tâm thức của tôi. Đây là điều gì đấy mà một kẻ thù bên ngoài không thể phá hủy. Non sông tôi có thể bị xâm lược, tài sản tôi có thể bị phá hủy, bạn bè tôi có thể bị giết, nhưng đây là những điều thứ yếu trong niềm hạnh phúc tinh thần của tôi. Cội nguồn chủ yếu của hạnh phúc tinh thần là sự tĩnh lặng tâm thức của tôi. Không điều gì có thể phá hoại điều này ngoại trừ sự sân hận của chính tôi.
Hơn thế nữa, chúng ta có thể đào thoát hay lẫn trốn khỏi kẻ thù bên ngoài và đôi khi chúng ta ngay cả có thể lừa đảo kẻ thù. Thí dụ, nếu có ai đấy quấy nhiễu sự hòa bình tâm hồn tôi, tôi có thể trốn tránh bằng việc đóng cửa phòng và ngồi yên lặng một mình. Nhưng tôi không thểlàm như thế với sân hận! Bất cứ nơi nào tôi đi đến, nó vẫn luôn luôn ở đấy. Mặc dù tôi khóa cửa phòng, sân hận vẫn ở bên trong. Ngoại trừ chúng ta áp dụng một phương pháp nào đấy, bằng không thì không thể trốn thoát. Do thế, thù oán hay sân hận - và ở đây tôi muốn nói về giận dữ tiêu cực - là kẻ tàn phá chủ yếu niềm hòa bình tinh thần của tôi và vì vậy là kẻ thù thật sự của tôi.
Một số người nào đấy tin rằng đè nén cảm xúc là không tốt, rằng tốt hơn là để nó bộc lộ ra ngoài. Tôi nghĩ rằng có những sựkhác biệt giữa những cảm xúc tiêu cực đa dạng. Thí dụ, với chán nãn thất vọng, có một loại thất vọng nào đấy phát triển như một kết quả của những sự kiện quá khứ, chẳng hạn như ngược đãi tình dục, rồi thì điều này vô tình hay cố ý tạo nên những rắc rối. Thế nên, trong trường hợp này, tốt hơn là bày tỏ sự chán chường và bộc lộ nó ra ngoài. Tuy vậy, theo kinh nghiệm của tôi với sân hận, nếu quý vị không thực hiện một cố gắng để giảm thiểu nó, nó sẽ vẫn duy trì với quý vị và thậm chí gia tăng. Rồi thì ngay cả với một sự việc nhỏ nào đấy quý vị sẽ nổi giận ngay lập tức. Một khi quý vị cố gắng để kiểm soát hay rèn luyện sự sân hận của quý vị, sau đó cuối cùng thậm chí những sự việc lớn lao cũng sẽ không làm quý vị giận dữ. Qua rèn luyện và tu tập chúng ta có thể thayđổi.
Khi sân hận đến, có một kỷ năng quan trọng để hổ trợ quý vị duy trì sự hòa bình tĩnh lặng của tâm thức. Quý vị không nên bất mãn hay chán nãn bởi vì đây là nguyên nhân của giận dữ và thù hận. Có một sự nối kết tự nhiên giữa nguyên nhân và hậu quả. Một khi những nguyên nhân vàđiều kiện nào đấy hội ngộ một cách đầy đủ, thi cực kỳ khó khăn để ngăn chặn tiến trình quan hệ nhân quả ấy đi đến đơm hoa kết trái. Thật là quan yếu để thẩm tra hoàn cảnh vì thếvào lúc giai đoạn trứng nước sơ khởi chúng ta có thể xếp đặt một sự dừng lại của tiến trình nhân quả. Rồi thì nó không thểtiếp tục đi đến giai đoạn xa hơn. Trong tác phẩm Phật Giáo Hướng Dẫn Lối Sống BồTát, đại hành giả Tịch Thiên đề cập rằng thật quan trọng để bảo đảm rằng chúng ta không đi vào một tình trạng đưa đến sự bất mãn chán chường, bởi vì bất mãn là hạt giống của sân hận. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải áp dụng một quan điểm nào đó đối với tài sản vật chất của chúng ta, đối với những người đồng hành cùng bạn bè, và đối với những tình huống đa dạng.
Những cảm giác của chúng ta về bất mãn, khốn khó và tuyệt vọng, v.v... trong thực tếliên hệ đến tất cả những hiện tượng. Nếu chúng ta không tiếp nhận một quan điểm đúng đắn, có thể bất cứ điều gì và mọi thứ đều làm cho chúng ta chán chường. Thí dụ đối với một số người nào đấy ngay cả tên Đức Phật có thể cũng tránh khỏi làm họ giận dữ hay thất vọng, mặc dù có thể không là trường hợp khi ai đấy có một sự gặp gở trực tiếp với Đức Phật. Do thế, tất cả mọi hiện tượng có khả năng tạo nên sự chán nãn và không hài lòng. Tuy vậy, những hiện tượng là bộphận của thực tại và chúng ta là đối tượng của những quy luật hiện hữu [nhân quả,luân hồi,...]. Vì thế, điều này chỉ cho chúng ta một lựa chọn duy nhất: thay đổi thái độ của chúng ta. Bằng việc đem đến sự thay đổi trong quan điểm của chúng ta đối với mọi sự vật và sự kiện, tất cả những hiện tượng có thể trở nên bằng hữu hay cội nguồn của hạnh phúc. Thay vì trở thành những kẻ thù hay nguồn gốc của thất vọng.
Trong trường hợp đặc biệt là một kẻ thù. Dĩnhiên, có một kẻ thù là rất tệ hại. Nó quấy nhiễu sự hòa bình tinh thần và tàn phá một số thứ thánh thiện của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào nó từ một khía cạnh khác, chỉ có kẻ thù mới cho chúng ta cơ hội để thực tập sự kiên trì (nhẫn nhục). Không ai có thể cho ta cơ hội để bao dung. Thí dụ, như một Phật tử, tôi nghĩ Đức Phật hoàn tòa thất bại trong việc cung ứng cho chúng ta một cơ hội để thực tập bao dung và kiên nhẫn. Một số thành viên của tăng đoàn có thể cung cấp cho chúng ta điều này, nhưng nói khác hơn thật là hiếm hoi. Vì chúng ta không biết đại đa sốnăm tỉ người trên trái đất này, do thế, đại đa số con người cũng không cho chúng ta cơ hội để biểu lộ bao dung hay nhẫn nhục. Chỉ có những người nào mà chúng ta biết và những người tạo ra rắc rối cho chúng ta thực sự cung ứng cho chúng ta một cơ hội tốtđể thực hành nhẫn nhục và bao dung.
Thấy từ khía cạnh này, kẻ thù là một vị thầy vĩ đại cho sự thực hành của chúng ta. Tịch Thiên Tôn Giả biện luận một cách rất sáng tỏ rằng những kẻ thù, hay những thủ phạm gây tổn hại cho chúng ta, trong thực tế là những đối tượng xứng đáng cho sự tôn kính và đáng để xem như những vị thầy quý báu của chúng ta. Ai đấy có thể phản đối rằng các kẻ thù của chúng ta không thể được xem xứngđáng cho sự tôn kính của chúng ta bởi vì họ không có xu hướng trong việc giúp đởchúng ta; sự thật rằng họ rất hữu dụng và lợi ích cho chúng ta chỉ đơn thuần là một việc ngẫu nhiên. Tịch Thiên nói rằng nếu đây là trường hợp thế thì tại sao chúng ta, như những Phật tử, xem thể trạng ngừng dứt (diệt đế) như một đối tượng xứng đáng để nương tựa khi sự ngừng dứt chi là một thể trạng đơn thuần của tâm và về phần nó không có khuynh hướng để hổtrợ chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng mặc dù điều này là đúng, ít ra với sự ngừng dứt thì cũng không có khuynh hướng làm tổn hại chúng ta, trái lại những kẻthù, đối nghịch khuynh hướng giúp đở chúng ta, trong thực tế có khuynh hướng làm tổn hại chúng ta. Do thế, một kẻ thù không phải là một đối tượng đáng để tôn trọng. Tịch Thiên nói rằng chính khuynh hướng làm tồn hại chúng ta là điều làm cho kẻ thù trở nên rất đặc biệt. Nếu kẻthù không có khuynh hướng làm tồn hại chúng ta, thế thì chúng ta sẽ không phân loại người ấy như một kẻ thù, do thếthái độ của chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt. Chính vì khuynh hướng làm tồn hại chúng ta làm cho người ấy là một kẻthù, và do bởi điều ấy kẻ thù đã cung cấp cho chúng ta một cơ hội để thực hành nhẫn nhục và bao dung. Vì vậy, một kẻthù quả thực là một vị thầy quý báu. Bằng việc suy tư trong những dòng này chúng ta cuối cùng có thể giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là thù oán.
Đôi khi người ta cảm thấy rằng giận dữ là hữu ích bởi vì nó mang đến một năng lượng phụ trội và tính táo bạo. Khi chúng ta chạm trán với những khó khăn, chúng ta có thể thấy sân hận như một kẻ hộ vệ. Nhưng mặc dù giận dữ đem cho ta thêm năng lượng, năng lượng ấy một cách chủ yếu là mù quáng. Không có gì bảo đảm rằng sự giận dữ và năng lượng ấy sẽ không trở thành tàn phá đối với những sự quan tâm của chúng ta. Do vậy, thù oán và giận dữ hoàn toàn không lợi ích gì cả.
Một câu hỏi khác là nếu chúng ta luôn luôn giữ sự khiêm tốn thì người khác có thể lợi dụng chúng ta và chúng ta phản ứng như thế nào? Điều này khá giản dị: chúng ta nên phản ứng với tuệ trí hay cảm nhận thông thường, không có sân hận hay thù oán. Nếu hoàn cảnh đến nổi chúng ta cẩn một loại hành động nào đấy về phần mình, chúng ta có thể có một phản ứng chống lại giới hạn mà không sân hận. Sự thật là, những hành động như vậy theo chiều hướng tuệ trí hơn là giận hờn trong thực tế hiệu quả hơn. Một phản ứng đối phó xảy ra giữa sự giận dữ có thể thường sai lầm. Trong một xã hội rất ganh đua, đôi khi cần có một phản ứng đối phó. Chúng ta hãy thẩm nghiệm tình trạng của Tây Tạng một lần nữa. Như tôi đã đề cập trướcđây, chúng tôi đang tiến hành một phương cách bất bạo động và bi mẫn chân thành, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi nên phải cúi mình xuống với hành động của những kẻ xâm lược và chịu thua. Không sân hận và không thù oán, chúng tôi có thể xoay sởmột cách hiệu quả hơn.
Có một loại thực hành khoan dung liên hệ một cách ý thức thể hiện trên khổ đau của những kẻ khác. Tôi đang nghĩ về những hoàn cảnh mà trong ấy, bằng việc dân thân trong những hành vi nào đấy, chúng ta cảnh giác về những thử thách gay go, khó khăn, và rắc rối liên hệ trong thời gian ngắn hạn, nhưng được tin rằng những hành động như vậy sẽ có một tác động lợi ích rất lâu dài. Do bởi thái độ của chúng ta, và cố gắng cùng nguyện ước của chúng ta nhằm mang đến lợi ích lâu dàiấy, đôi khi chúng ta ý thức và cẩn trọng gánh lấy những thử thách khó khăn và các rắc rối liên hệ nhất thời.
Một trong những phương tiện hiệu quả mà nhờ nó chúng ta có thể vượt thắng các năng lực của những cảm xúc tiêu cực như sân hận và thù oán là bằng việc trau dồi những năng lực đối kháng của chúng, chẳng hạn như những phẩm chất tích cực của tâm như từ ái và bi mẫn.
Dealing with Anger and Emotion trích từ quyển The Art of Living
Ẩn Tâm Lộ ngày 31/08/2011

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
nói về sự Nóng giận 
Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch :
Bernard Baudouin, một nhà nghiên cứu Phật giáo người Pháp, đã chọn ra 365 lời phát biểu thuộc nhiều đề tài khác nhau của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma từ một số sách và các bài thuyết giảng của Ngài để xuất bản một tập sách với tựa đề Trí tuệ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trong một quyển sách nhỏ, 365 tư tưởng và suy tư hàng ngày (Le petit livre de Sagesse du Dalai-Lama, 365 pensées et méditations quotidiennes, Marabout, 2002). Trong số các lời phát biểu này, người dịch xin tuyển chọn lại 20 câu liên quan đến chủ đề giận dữ đểchuyển ngữ trong phần dưới đây.
Đối với một Phật tử cũng như một người theo bất cứ một tôn giáo nào khác, nếu giữ được một tâm thức an bình khi hấp hối thì nhất định đấy là một điều rất tốt. Khi cái chết gần kề, ta nên buông bỏ mọi cảm xúc giận dữ và hận thù trong lòng.Điều ấy thật hết sức quan trọng.
Dù không tin vào một tôn giáo nào đi nữa, thế nhưng ta cũng nên hiểu rằng lúc phải "bước sang phía bên kia" mà lòng vẫn giữ được một tâm thức an bình thì ta sẽ cảm thấy ít khổ sở hơn nhiều.
****
Khi ta làm bất cứ một việc gì đó [mang tính cách tiêu cực] thì các tác động liên hệ với nó tức khắc sẽ phát sinh và tiếp tục gia tăng cho đến khi nào hậu quả của việc ấy xảy ra. Nếu như ta không làm việc ấy thì đương nhiên ta cũng sẽ không bao giờ phải đối diện với hậu quả của nó.
Thế nhưng trong trường hợp nếu đã trót thực thi hành động ấy mà lại không nghĩ đến việc tinh khiết hóa nó bằng sự tu tập thích nghi (hoặc hóa giải nó bằng một hành động đạo hạnh chưa bị sự nóng giận hoặc các yếu tố đối nghịch khác hủy hoại) thì nhất định ta không tránh khỏi hậu quả.
Dù cho ta đã làm việc ấy từ nhiều kiếp trước, thế nhưng tiềm năng tác động của nó vẫn tiềm tàng và không hề suy giảm với thời gian.
*****
Những người mà ta xem là bạn trong kiếp sống này biết đâu lại đã là kẻ thù của ta trong quá khứ. Cũng như thế, những người mà hôm nay ta đang xem là kẻ thù biết đâu trước kia lại chưa từng bao giờ đối nghịch ta đến thế.
Nói như vậy để hiểu rằng ta không nên cố chấp đâu là người thân, đâu là bằng hữu, đâu là kẻ thù, lại cũng không nên tỏ ra oán hận và giận dữ quá đáng đối với kẻ thù.
Nên hiểu rằng chưa hề có một chúng sinh có giác cảm nào lại chưa từng là bạn của ta một lúc nào đó trong quá khứ.Ý thức được điều ấy sẽ giúp ta tìm thấy sự thanh thản và trong sáng khi nhìn vào tất cả chúng sinh.
*****
Biết gìn giữ đạo đức là điều quan trọng hơn sự hào phóng quá đáng. Giữ gìn đạo đức là một phẩm tính cần thiết giúp mang lại cho ta một tâm thức thăng bằng.
Một tâm thức an bình và thanh thản giúp ta phát huy tình thương và lòng từ bi dễ dàng hơn, đấy là hai phẩm tính giúp ta loại bỏ mọi sự ganh tị, sợ hãi và nóng giận.
*****
Biết tha thứ khi đang nóng giận thì tốt hơn là nhặt một hòn đá để ném, nhất là khi ta phải đương đầu với một sựkhiêu khích nghiêm trọng.
Nghịch cảnh càng lớn lại càng là một dịp để giúp ta chứng tỏ được quyết tâm của mình luôn hành động hướng vào sự an lành và lợi ích của người khác và của chính mình.
*****
Lắm khi nhìn vào chính trị, ta thấyđấy là những gì thật nhơ bẩn và thô bỉ. Thế nhưng nếu quan sát cẩn thận hơn, chính trị tự nó lại không đến đỗi quá xấu xa đến thế : nếu biết kết hợp sựthành thật và lương thiện thì chính trị sẽ trở thành một phương tiện để xây dựng xã hội. Thế nhưng nếu chính trị được thúc đẩy bởi ích kỷ và hận thù, giận dữ và ganh tị thì quả thật nó rất « nhơ bẩn ».
*****
Căn cứ vào hình tướng trên thân xác thì tất nhiên ta là một con người, thế nhưng khi nhìn vào thể dạng tâm thần thì đôi khi ta nhận thấy mình lại là một con người thiếu sót. Vì thế nếu may mắn được mang hình tướng con người thì trên phương diện tinh thần ta cũng nên bảo tồn lấy khả năng biết suy xét của một con người.
Sức mạnh nội tâm là điều kiện duy nhất giúp ta thực hiện được điều đó : đấy là sự kết hợp giữa kỷ cương đạođức, lương tri và nhất là phải ý thức được thật minh bạch đâu là tai họa do giận dữ gây ra và đâu là những tác động tích cực do lòng nhân từ mang lại.
*****
Từ bi là phương pháp và trí tuệ là conđường triết học, cả hai đều mang lại cho chúng ta sự hiểu biết về hiện thực.
Biết kết hợp sức mạnh của trí tuệ vàđộng cơ thúc đẩy của lòng từ bi là một phương cách hữu hiệu nhất giúp biến cải tháiđộ cư xử của mình, nhất là trong các trường hợp phải đối đầu với sự giận dữ và bám víu, là những thứ phát sinh từ bản tính lâu đời trong quá khứ của mình.
Nếu nhìn thấy các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng [tức sự giận dữ và bám víu] để phát huy những phương cách để đối phó, thì các xúc cảm tiêu cực [trong tâm thức] sẽ dần dần tan biến.
*****
Sự giận dữ hàm chứa một sức mạnh tàn phá thật khủng khiếp.
Một thoáng nóng giận có thể khiến cho các tích lũy đạo hạnh gom góp từ hàng ngàn kiếp (kalpa), chẳng hạn như côngđức bố thí, sự cúng dường chư Phật và sự giữ gìn giới luật, tất cả đều tiêu tan.
*****
Sự giận dữ là kẻ thù tệ hại nhất trong số tất cả các kẻ thù mà ta thường phải đối đầu.
Thật vậy, các kẻ thù thông thường [thuộc vào bối cảnh bên ngoài] hay gây ra thua thiệt cho ta, và cũng chính vì thế mà ta gọi chúng là « kẻ thù ». Trên một khía cạnh khác thì những tệ hại do chúng gây ra lại trở thành một phương tiện tiếp tay cho chúng, và cho cả bạn bè và đồng lõa của chúng nữa, sự tiếp tay đó không phải là vô cớ, [có nghĩa là các thứ tệhại do kẻ thù từ bên ngoài gây ra cho ta khiến ta nóng giận và sự giận dữ ấy là một cách tiếp tay cho chúng tác oai tác quái thêm nữa. Vì thế sự giận dữ là kẻthù bên trong do chính mình tạo ra cho mình và đấy là thứ kẻ thù tệ hại nhất. Nói một cách khác chính mình là bạn bè và đồng lõa với kẻ thù bên ngoài để tự làm hại mình].
Sự giận giữ là một thứ kẻ thù bên trong có chủ đích tàn phá những gì tích cực mà ta đã thực hiện được và mang lại mọi thứ đau khổ cho ta.
Vì thế ta phải chiến đấu chống lại kẻthù [bên trong]đó với bất cứ giá nào, phải phát huy một tâm thức an bình và cảnh giác, không đểbị tràn ngập và giao động.
*****
Khi có một kẻ nào gây tổn thương cho ta thì ta phải cẩn thận xét xem hành động làm ta tổn thương phát sinh từ bản chất không tốt của người ấy hay chỉ là một hành động bốc đồng và nhất thời.
Nếu hành động phát xuất từ bản chất của người ấy thì không có lý do gì để trực tiếp đổ lỗi cho người ấy [bản chất không tốt là nghiệp mà người ấy phải gánh chịu không phải là một thứ gì « nội tại »hay « bẩm sinh » nơi người ấy].
Nếu đấy chỉ là một hành động bốcđồng thì bản chất của người ấy đâu phải là xấu : người ấy gây ra sai trái cho ta chỉ vì người ấy bị chi phối bởi một phản ứng nhất thời thế thôi, trong trường hợp này cũng lại không có một lý do gì khiến cho ta phải nổi giận.
*****
Nếu một người nào đó sử dụng khí giới làm hại ta, thì chỉ có khí giới giữ vai trò trực tiếp gây thương tổn cho ta.
Những gì gián tiếp làm ta thương tổn chính là sự giận dữ bên trong tâm thức của người ấy.
Nếu giận dữ thì ta nên giận cái khí giới tức là cơn thịnh nộ thúc đẩy người ấy sử dụng khí giới làm hại ta. Nếu rút bỏ khí giới và cả cơn thịnh nộ ra khỏi người ấy đi thì đâu còn gì để ta phiền trách người ấy nữa.
*****
Nếu hòa lẫn hai hóa chất vào nhau thì một phản ứng nào đó sẽ xảy ra và tạo ra một hóa chất mới.
Cũng thế nếu một người có tính khí cáu kỉnh biết kiên nhẫn tu tập để phát huy cách cư xử thân thiện thì dần dần ngườiấy cũng sẽ biến cải được tính khí của mình. Tuy nhiên không phải vì thế mà người ấy không còn nổi giận nữa, thế nhưng sự cáu kỉnh sẽ bớt đi nhiều.
Vì thế tính khí con người có thể biến cải được nhờ vào sự tương tác giữa hai thể loại tri thức : sự hung hăng và sự thân thiện.
*****
Muốn hóa giải sự giận dữ hay hận thù thì không phải chỉ cần thành khẩn cầu nguyện là đủ. Dù cho việc cầu nguyện có trợ giúp phần nào đi nữa thế nhưng nó chẳng giải quyết được gì cả.
Muốn hóa giải sự giận dữ một cách hiệu quả ta phải giữ gìn thật thận trọng kỷ cương đạo đức nhờ vào một tâm linh tỉnh thức. Sự giữ gìn đó phải được áp dùng trong từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày của mình, hầu giúp ta làm giảm bớt sức mạnh của sự giận dữ và đồng thời làm gia tăng thêm khả năng đối kháng với nó tức là tình nhân ái.
Đấy là con đường mang lại kỷ cương cho tâm thức của mình.
*****
Khi đã hoàn toàn hiểu được mối hại do sự giận dữ mang lại thì cũng nên nhìn vào sự giận dữ của chính mình.
Tuy nhiên sự canh chừng ấy còn tùy thuộc vào đối tượng của cơn giận. Nếu đối tượng là một con người nào đó thì phải nghĩ ngay đến các phẩm tính tốt của người ấy, và như vậy thì sự giận dữ sẽgiảm bớt đi.
Nếu đấy chỉ là một sự cảm nhận đauđớn khiến ta nổi giận, thì phải nghĩ ngay đến một số lý do cụ thể nào đó có thểbào chữa cho sự đau đớn ấy.
Thật vậy trong trường hợp này nếu biết suy nghĩ chín chắn thì ta cũng sẽ hiểu rằng tạo ra thêm sự bực tức cho mình cũng chẳng mang lại lợi ích gì cả [khi có một sự đau đớn xảy ra thì nhất định phải có một nguyên nhân nào đó, vì thế hãy tìm hiểu xem sự đau đớn ấy phát sinh từ nguyên nhân nào và không nên phát lộ sự giận dữ để ghép thêm vào sự đau đớn mà ta đang phải gánh chịu].
*****
Xúc cảm tiêu cực và đớn đau hiển hiện dưới nhiều thể dạng khác nhau, thi dụ như sự kiêu căng, tính ngạo mạn, sựganh tị, sự thèm khát, lòng tham, tâm thức hẹp hòi v.v...
Ngoài những xúc cảm ấy còn có thể kểthêm sự hận thù và giận dữ, đấy là những loại xúc cảm tai hại hơn hết, vì chúng là những chướng ngại to lớn nhất ngăn chận không cho phép chúng ta phát động lòng từ bi và tình nhân ái. Đấy là những thứ xúc cảm tàn phá các phẩm hạnh đạo đức và sự an bình trong tâm thức chúng ta.
*****
Nếu chỉ biết lay hoay tìm cách loại bỏ giận dữ và hận thù thì nhất định ta sẽ không bao giờ thành công. Ta phải tích cực hơn nhiều, phải phát huy và trau dồi các sức mạnh đối nghịch để hóa giải chúng : đấy là sự nhẫn nhục và lòng bao dung.
*****
Khi nào ý thức được lợi ích do sự bao dung mang lại chẳng hạn như sự nhẫn nhục, và đồng thời nhìn thấy sự tàn phá và các hậu quảtai hại do sự giận dữ mang lại chẳng hạn như hận thù, thì khi đó ta sẽ cảm thấy hăng say hơn.
Sự phấn khởi đó khiến ta ngày càng trởnên bao dung và nhẫn nhục hơn và nhất là giúp ta biết khiếp sợ những ý nghĩ hung hãn và hận thù.
*****
Trong cuộc sống thường nhật, sự bao dung và nhẫn nhục mang lại thật nhiều lợi ích.
Phát huy được các phẩm tính ấy sẽgiúp ta luôn giữ được một tâm thức tỉnh táo.
Khi đã tạo được cho mình những phẩm tính ấy thì bất cứ ai cũng sẽ luôn giữ được sự trầm tĩnh và an bình trong tâm thức dù phải sống trong một môi trường căng thẳng, cuồng loạn và đầy lo âu.
*****
Một việc nào đó xảy ra có thể khiến ta phản ứng tức khắc bằng sự giận dữ, thế nhưng sự giận dữ ấy cũng có thể là thực sự đã phát sinh từ lòng từ bi trong tim mình. Trong trường hợp này sự giận dữ sẽ biến thành một sức mạnh thật lớn trong tâm thức chúng ta.
[Thí dụkhi thấy một người nào đó làm một việc gì sai trái có thể mang lại tai hại cho họvà cả người khác thì ta phản ứng ngay bằng sự giận dữ, thế nhưng động cơ thúcđẩy sự giận dữ đó không nhất thiết là ác ý của ta mà chính là lòng thương hại phát lộ từ nơi sâu kín của tim ta.
Trên một bình diện cao hơn, chẳng hạn khi trông thấy những bất công xã hội hoặc những cảnh chúng sinh, dù là con người hay súc vật bị ức hiếp thì ta nổi giận, sựgiận dữ đó là một sức mạnh rất lớn có thể thúc đẩy ta hy sinh cả đời mình vì lý tưởng công bằng và bảo vệ các chúng sinh yếu kém không một phương tiện tự vệ].
Bures-Sur-Yvette, 01.04.11

Hoang Phong chuyển ngữ
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
nói về ý nghĩa của Hạnh Phúc
Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch :
Bernard Baudouin, một nhà nghiên cứu Phật giáo người Pháp, đã chọn ra 365 lời phát biểu thuộc nhiều đề tài khác nhau của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma từ một số sách và các bài thuyết giảng của Ngài để xuất bản một tập sách với tựa đề Trí tuệ của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trong một quyển sách nhỏ, 365 tư tưởng và suy tư hàng ngày (Le petit livre de Sagesse du Dalai-Lama, 365 pensées et méditations quotidiennes, Marabout, 2002). Trong số các lời phát biểu này, người dịch xin tuyển chọn lại 55 câu liên quan đến chủ đề hạnh phúcđể chuyển ngữ trong phần dưới đây.
Chúng sinh có giác cảm thì nhiều vô kể như không gian bao la vô tận, mà tất cả đều mong muốn tránh khỏi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc.
Hãy luôn ghi khắc trong tâm một điều là niềm hạnh phúc và định mệnh của vô tận chúng sinh là những gì hết sức quan trọng và cần thiết vô cùng.
*****
Nếu chủ đích của hành động là mang lại sự thích thú thì thiền định chắc chắn sẽ thành công trong mục đích đó.
Lòngước mong cao cả giúp đỡ người khác mang tính cách thật tích cực. Đấy là nguồn gốc mang lại hạnh phúc, lòng can đảm và sự thành công cho chính mình.
*****
Những gì mang lại kết quả tích cực đồng thời cũng có thể hàm chứa khả năng tạo ra hậu quả tiêu cực.
Biết sử dụng trí thông minh con người để phán đoán là những gì thật hệ trọng, phải cân nhắc cẩn thận giữa cái lợi của hạnh phúc lâu dài và cái hại của niềm vui trước mắt.
*****
Ước mong với chủ đích chân thật là điều thật tích cực, trái lại nếu hướng vào những gì không ngay thật thì đấy chỉ là những ước mong tiêu cực rồi sẽ mang lại khó khăn.
Ước mong chân chính là động cơ thúc đẩy quan trọng nhất giúp mang lại hạnh phúc cho mình trong hiện tại và cả trong tương lai.
*****
Vui lòng với những gì mình có là yếu tố quan trọng hơn cả để giúp ta tìm thấy hạnh phúc.
Thật vậy, tuy sức khoẻ, của cải và tình thân hữu là ba yếu tố cần thiết giúp ta điđến mục đích đó, thế nhưng biết vui lòng với những gì mình có lại là chiếc chìa khóa mở ra cho ta cánh cửa mang lại niềm hạnh phúc phát sinh từ ba yếu tố ấy.
*****
Không một nguyên nhân sẵn có nào có thể mang lại hạnh phúc cho mình một cách vô cớ.
Thật thế, hạnh phúc lệ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân. Điều đó có nghĩa là nếu ta muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai thì giờ phút này phải hết lòng chăm lo cho những người chung quanh.
*****
Người tu tập Đạo Pháp một cách đúng đắn phải luôn nhớ rằng sự giận dữ là nguồn gốc đưađến vô số hậu quả tai hại và lòng từ bi sẽ mang lại các kết quả tích cực.
Ta phải nghĩ đến cảnh huống của người làm đối tượng cho cơn giận dữ của ta, ngườiấy nào có khác gì ta : họ cũng ước mong tìm được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau như ta mà thôi!
Hiểuđược như vậy thì ta sẽ không thế nào tự bào chữa cho hành vi của mình khi cốtình làm cho người ấy tổn thương.
*****
Để đạt được hạnh phúc và tự giải thoát cho mình khỏi cảnh khốn cùng từ kiếp này sang kiếp khác, tôi phải luôn luôn xem ba thứ nọc độc – tức những thứ xúc cảm bấn loạn phát sinh từ dục vọng, hận thù và vô minh – là kẻ thù của tôi.
*****
Kiến tạo hạnh phúc, vượt qua cảnh khốn cùng thật ra cũng không khác gì với các công việc khác. Muốn làm được những việc này ta phải tạo ra những yếu tố thuận lợi và đồng thời phải tìm cách loại bỏ các chướng ngại.
Chuyệnấy nào có khác gì khi ta muốn đạt được một địa vị xã hội hay tìm kiếm danh vọng và giàu sang vì khi ấy ta cũng phải tạo ra một số yếu tố thuận lợi nào đó.
*****
Nhất thiết chúng ta đều là những sinh vật sống thành đàn, phải lệ thuộc vào nhau đểsinh tồn. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc, sự phồn vinh và thăng tiến nhờ vào sự tương liên chặt chẽ trong xã hội.
Sựthân thiện và giúp đỡ người khác sẽ mang lại cho mình hạnh phúc, giống như một tâm thức Giác ngộ sẽ mang lại trí tuệ cho chính mình.
*****
Chúng sinh có giác cảm thật đông đảo và phức tạp.
Một số giúp đỡ ta, một số khác làm ta bị tổn thương, thế nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm là đều mong cầu hạnh phúc và e sợ khổ đau, vì thế tất cả đều ngang hàng với nhau.
*****
Tất cả chúng sinh đều như nhau, đều ước mong được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thế nhưng họ lại không tìm thấy hạnh phúc.
Với tất cả sự thành tâm phát lộ từ đáy tim mình hãy hiến dâng cho chúng sinh tất cảnhững phẩm tính tích cực phát sinh từ thân xác, tâm thức và ngôn từ của mình, kể cả tài sản và những gì mình có hầu giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc và những gì mà họ ước mong.
*****
Hạnh phúc và sự toại nguyện của con người rốt lại đều phát sinh từ nội tâm của mỗi người.
Nếuđơn giản chỉ biết sử dụng của cải và các phát minh kỹ thuật [tức là những điều kiện bên ngoài] như một phương tiện mang lại hạnh phúc tối hậu cho mình thì đó là một sự sai lầm lớn lao.
*****
Sựtương giao dựa trên lòng từ bi và tình thương yêu giữa con người với nhau là những gì thật quan trọng và tối cần thiết để góp phần mang lại hạnh phúc cho con người.
*****
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là tình thương giữa con người. Thiếu yếu tố đó, con người sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự.
Đểcho một cuộc sống cá nhân được hạnh phúc hơn, một gia đình hạnh phúc hơn, xóm giềng hạnh phúc hơn và một quốc gia hạnh phúc hơn, thì chìa khóa của sự thành công chính là những phẩm tính thuộc nội tâm của chính mình.
*****
Chỉkhi nào kiến tạo được một thể dạng tinh thần tích cực cho mình, thì khi đó dù có rơi vào cảnh huống bị hận thù bủa vây ta vẫn sẽ không đánh mất sự an bình trong tâm thức.
Ngược lại nếu chỉ biết khăng khăng giữ một thái độ tiêu cực, chi phối bởi sợ hãi, nghi ngờ, tự cảm thấy bất lực, chán ghét chính mình, thì dù bạn bè có tốt, bối cảnh có êm ái, các điều kiện môi trường có thuận lợi mấy đi nữa, ta sẽ vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
Vì thế thái độ tâm thần thật quan trọng : chính nó sẽ xác định mức độ hạnh phúc mà ta cảm nhận được.
*****
Biết sống một cuộc đời bình dị thì hạnh phúc sẽ đến với ta.
Ít tham vọng, vừa lòng với những gì mình có, đấy là những gì thật chủ yếu, thật vậy ta chỉ cần đủ ăn, có một ít quần áo, một mái nhà che thân là cũng đủ.
Tiếp theo đó, sau khi đã loại bỏ được các thể dạng tâm thần tiêu cực ta sẽ tìm thấy một niềm hân hoan sâu xa để phát huy một tâm thức vô cùng thanh thoát nhờ vào phép thiền định.
*****
Kẻthù đích thực của mình chính là các thứ xúc cảm rất thông thường của con người,đấy là hận thù, ganh tị và kiêu căng, chúng là những kẻ thù sẵn sàng hủy hoại tương lai và hạnh phúc của chính mình.
Nếu không tìm được những biện pháp chống trả thích nghi thì khó lòng mà khống trị được chúng. Một trong các biện pháp hữu hiệu là cách giữ gìn kỷ cương đạo đức, tuy nhiên điều này không dễ thực hiện khi ta còn đang trong tình trạng phải đươngđầu với mọi thứ xúc cảm tiêu cực.
*****
Thường thì ta chỉ biết sống lây lất trong chờ đợi và hy vọng rồi đây sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Thật thế trong số chúng ta nào có ai lại mong muốn khổ đau, và mục đích đời mình chẳng phải là đạt được hạnh phúc hay sao ? Trên thực tế niềm hạnh phúc đó có thể đạt được, nó phát sinh trên thân xác và cả trong tâm thức của mình. Đối với khổ đau cũng thế, ta cũng có thể làm cho nó giảm đi.
*****
Dù chỉ biết miệt mài quan tâm đến hạnh phúc cá nhân và sự an vui thu hẹp trong phạm vi của riêng mình, thế nhưng có một lúc nào đó biết đâu ta bỗng ý thứcđược cuộc sống cá nhân của mình thật ra lệ thuộc chặt chẽ vào tất cả những gìđang bao quanh chúng ta. Khi ấy ta mới nhìn thấy một tương lai thật rộng lớn mởra trước mắt để đưa ta đến gần hơn với hiện thực.
Nắm vững được bối cảnh tương lai bao quát ấy thì ta mới có thể tạo ra một cuộc sống hài hòa cho chính mình và cho người khác.
*****
Cảm nhận được hiện tượng tương liên (lý duyên khởi) sẽ giúp ta mở rộng tâm thức của mình hơn.
Nói chung, thay vì hiểu được cảnh huống mà ta cảm nhận được là kết quả phát sinh từsự kết nối chằng chịt của vô số nguyên nhân, thì ta lại đổ thừa cho hạnh phúc hay khổ đau chẳng hạn là những gì mang nguồn gốc cá nhân [nói một cách khác hạnh phúc và khổ đau của mình liên hệ đến sự kết nối chằng chịt của vô số nghiệp và cơ duyên kể cả toàn thể chúng sinh và môi trường chung quanh].
Nếuđúng như thế [tứcđơn giản chỉ mang nguồn gốc cá nhân] thì khi nhận biết một hiện tượng nào đó mà ta cho là tốt thì tất nhiên ta phải cảm nhận được hạnh phúc chứ, hoặc ngược lại khi nhận biết một cái gì xấu nhất định ta phải cảm thấy khổ đau [sự cảm nhận một hiện tượng - dù bên trong hay bên ngoài - đều quá đơn giản để giải thích niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau của mình, vì đó là kết quả phát sinh từ vô số nguyên nhân và cơ duyên kết nối chằng chịt với nhau, hiểu được như thế sẽ mở rộng tâm thức mình giúp mình chấp nhận dễ dàng hơn các thể dạng hạnh phúc hay khổ đauđang phát sinh trong tâm thức của chính mình].
*****
Khi thực hiện được những hành động tích cực hướng vào người khác ta sẽ cảm nhận được một sự hân hoan vô giá.
Hànhđộng tích cực đó nào có làm thiệt hại gì đâu cho kiếp sống này mà hơn thế nữa còn mang lại cho mình một niềm hạnh phúc vô biên trong các kiếp sống sau.
*****
Nên cố gắng đừng để cho thể dạng tâm thức trong sáng của mình bị dao động. Dù đang đau khổ hay trước đây đã từng gánh chịu khổ đau, thì cũng không nên vin vào đó mà đau buồn. Nếu nhận thấy những khổ đau ấy có thể chữa chạy được thì đau khổ làm gì ?Đang khổ đau mà lại còn tạo ra thêm đủ mọi thứ lo buồn để ghép thêm vào những khổ đau sẵn có, thì quả thật chẳng lợi ích gì.
*****
Muốnđạt được hạnh phúc thì nhất định là ta phải cố gắng thật nhiều, thế nhưng khổ đau thì lại cứ thản nhiên mà đến. Chỉ cần có một thân xác cũng đủ cho khổ đau bám vào. Thật vậy, khổ đau thì nhiều vô kể và nguyên nhân làm phát sinh ra chúng cũng nhiều không kém.
Một người khôn khéo biết hoán chuyển nguồn gốc của đau buồn thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho mình. Thật vậy, ta có thể xem đớn đau như một phương tiện tu tập giúp cho mình thăng tiến.
*****
Khi thấy một người nào đó mà ta không ưa thích đang được kẻ khác tán tụng và ngợi khen, ta sẽ cảm thấy ganh tị, thái độ ấy có vẻ thật tự nhiên và hợp lý. Thế nhưngđấy lại là một sự sai lầm.
Khi thấy người khác nói lên những lời êm ái thì cũng nên tham gia vào đấy để cùng nhau chia sẻ một niềm hạnh phúc chung nào đó.
Nếu ta đủ sức mạnh phát lộ được lòng hân hoan dù thật nhỏ nhoi không đáng kể đi nữa khi thấy người mà ta thù ghét đang được kẻ khác tâng bốc, thì niềm hân hoan đó sẽ mang tính cách thật tích cực và sẽ được chư Phật tán thán.
*****
Không nên bám víu vào những hoan lạc phù du.
Chỉcó những kẻ đần độn và thiếu thăng bằng mới bỏ hết thì giờ vào việc vơ vét của cải.
Tìm kiếm hạnh phúc theo cách đó sẽ làm cho họ khổ đau một ngàn lần hơn.
*****
Khi ta tìm cách bảo vệ lấy thân xác của mình, đương nhiên ta cũng phải tìm cách bảo vệ các thành phần tạo ra thân xác ấy, chẳng hạn như hai tay, hai chân của mình.
Cũng giống như thế, khi nào ta hiểu được hạnh phúc và khổ đau của người khác cũng cùng một thứ với hạnh phúc và khổ đau của chính mình, thì khi ấy tự nhiên ta cũng sẽcảm nhận thấy có bổn phận phải giúp đỡ người khác tránh khỏi những bất hạnh của họ, tương tợ như ta tự bảo vệ chính mình vậy.
*****
Hạnh phúc và khổ đau luôn biến đổi không ngừng.
Vì thế nhiều người vin vào tính cách phù du đó để tỏ ra dửng dưng, không ra sức tìm kiếm hạnh phúc cho mình và lại cũng chẳng cần cố gắng làm giảm bớt khổ đau. Nếu chúng biến đổi không ngừng thì cứ việc lên giường mà ngủ thẳng một giấc để chờxem mọi sự sẽ xoay vần ra sao.
Tôi không tin rằng đấy là một cách xử thế tốt nhất. Trái lại, theo tôi thì một mặt phải quyết tâm tăng cường thêm hạnh phúc, một mặt phải cố gắng vượt lên trên những khổ đau phát sinh từ bất cứ một nguyên nhân nào.
*****
Hạnh phúc thật sự chỉ phát sinh từ những nghiệp đạo hạnh. Thực hiện một hành động tốt sẽ tạo ra trong tâm thức một « hạt giống » tốt, hạt giống sẽ nẩy mầm và sinh ra quả ngọt.
Phương pháp tốt nhất giúp ta tránh được mọi sự sai lầm là cố gắng làm hiển lộ trong lòng mình Tâm-thức-Phật, tức là Bồ-đề-tâm (Bodhicitta).
*****
Vòng luân hồi chỉ có thể bị cắt đứt khi nào nghiệp đã hoàn toàn bị giải trừ.
Nghiệp không thể tự nhiên tan biến, chỉ có sự Giác ngộ vượt khỏi mọi ảo giác mới thực hiện được việc đó. Cũng thế, chỉ khi nào loại bỏ được vô minh thì khi đó ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc trường tồn.
Vì thế hóa giải vô minh cũng có thể gọi là sự giải thoát.
*****
Hy sinh một chút gì nhỏ bé của mìnhđể thực hiện một cái gì to lớn hơn là một việc nên làm. Vì thế cũng nên biến hạnh phúc riêng tư của mình trở thành niềm phúc hạnh to lớn của tất cả chúng sinh.
Hãy xem hạnh phúc của chúng sinh là một món nợ mà mình phải trả.
*****
Biết xem sự an vui của người khác quan trọng hơn sự an vui của chính mình là thái độduy nhất hàm chứa một ý nghĩa thật sự nào đó.
Tháiđộ ấy khuyến khích chúng ta biết hy sinh nhiều hơn nữa cho người khác.
*****
Mụcđích trong cuộc sống của chúng ta là mưu cầu hạnh phúc.
Dù có hay không tin vào tôn giáo, dù người láng giềng của ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, thì tất cả, họ và ta đều mưu cầu một cái gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống này.
Thật vậy tất cả mọi chuyển động thuộc sự hiện hữu của chúng ta đều hướng về hạnh phúc.
*****
Sức khỏe tốt thường được xem là một trong các điều kiện giúp mang lại một cuộc sống hạnh phúc.
Cũng thế, các tiện nghi vật chất, chẳng hạn của cải tích lũy được cũng chỉ là một trong số các điều kiện khác.
Đối với tình bằng hữu cũng vậy, muốn thực hiện một cuộc sống tròn đầy cần phải có bạn bè để tâm sự và tin cậy lẫn nhau.
Thật thế tất cả các yếu tố [bên ngoài] trên đây đều là các điều kiện có thểmang lại hạnh phúc cho ta. Thế nhưng chiếc chìa khóa có thể giúp ta mở ra cánh cửa của hạnh phúc lại là tâm thức của chính mình [điều kiện nội tâm].
*****
Hạnh phúc trong một cấp bậc cao nhất chỉ có thể thực hiện được khi nào ta đã đạt được sự Giải thoát thật sự. Trong thể dạng Giải thoát ấy sẽ không còn phảng phất một bóng dáng nào của khổ đau. Hạnh phúc ấy mới chính là hạnh phúc đích thật và lâu bền.
Các thứ hạnh phúc khác phát sinh từtâm thức và con tim của mình thật hết sức bất định, hôm này thì có ngày mai thì không.
*****
Không cần phải có thật nhiều của cải, không cần gặt hái thật nhiều thành công và tạođược tiếng tăm vang lừng, không cần phải có một thân thể tuyệt đẹp hay một người bạn đường lý tưởng mới có thể mang lại hạnh phúc.
Chỉcần đến tâm thức của mình cũng đủ để mang lại cho mình hạnh phúc vẹn toàn, và ngay trong giây phút này đây ta lại đang có nó.
*****
Chỉ có sự tu tập mới có thể phát huy và biến cải được nội tâm của mình. Thật

2 nhận xét:

  1. Dậy đi thôi chị gái ơi
    Ngày mới ấm áp rạng ngời sắc xuân (~_~)
    [img] http://d4.violet.vn/uploads/blogs/731838/6_iykim2000_002.gif[/img]

    Trả lờiXóa
  2. Chị đưa bài này về đây để đọc vì những bài như thế này chị thường phải dọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu được hết.

    Trả lờiXóa