Trang

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam


Trong cuốn sổ hộ khẩu vừa được cấp mới, năm sinh của ông được xác tín là 1901, còn của bà là 1905. ông tên Huỳnh Văn Lạc, bà tên Nguyễn Thị Lành… Nếu không có gì thay đổi, thì vào thứ bảy này, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam sẽ chính thức thừa nhận ông bà là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Gần một thế kỷ làm chồng làm vợ, có những câu chuyện về ông bà khiến nhiều người phải giật mình ngẫm lại duyên kiếp ba sinh.

1. Trưa, Sài Gòn những ngày tháng 9 trời âm u, chờ chực mưa. ông chủ quán cà phê thấy tôi tìm đường đến nhà ông Huỳnh Văn Lạc mau mắn hỏi, "Chú là nhà báo hả?". Rồi không đợi trả lời, ông nói luôn: "ông bà Sáu Lạc sống có đức lắm, mà cô con gái cũng đại hiếu. Tui có làm bài thơ tán dương họ, khi nào chú phỏng vấn ông Lạc xong, ghé tui chơi, nha".
Đến nhà, khi ông bà vừa ngủ trưa. Căn nhà nằm đầu con hẻm lớn, đường nhựa phẳng lỳ, sạch sẽ… Mà dọc theo con hẻm lớn ấy, đoạn đường kéo dài cả 500m đều là nhà người thân của ông bà. Đúng nghĩa là một đại gia tộc sinh sống cùng nhau. Nghe hàng xóm nói, con cái cháu chắt của ông bà đều thành đạt, ai cũng nhà cao cửa rộng, xe ôtô có đủ… Đến nơi, mới cảm nhận là sự sung túc và viên mãn đang ngự trị tại nơi này.
Phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM nơi đại gia đình của ông bà đang cư ngụ, trước đây là xã Đông Hưng Thuận, quen miệng gọi là khu Chợ Cầu, quận Hóc Môn…
Những năm đầu của thế kỷ XX, cả một vùng đất rộng lớn này là khu canh tác nông nghiệp của người dân. Dưới là ruộng lúa, trên là vườn trầu, vườn thuốc lá, hoa màu… đủ cả. ông Lạc ngày đó là anh thanh niên quê, đen nhẻm, cao to. Cha mất sớm, một mình ông làm quần quật để phụng dưỡng mẹ. Được cái, chuyện gì ông cũng làm được, từ đan lờ bắt cá, làm ruộng, trồng trầu, chăn nuôi… Thậm chí, bắt mạch bốc thuốc ông cũng rành mạch như khi người nông dân Nam Bộ sau mùa vụ, đập chân thả lỏng người, ngồi uống rượu đế, gẩy đàn ca vọng cổ.
Bà Lành là con út trong gia đình lễ giáo. Mà cái thời đó, con gái đến tuổi cập kê cũng chỉ ở ru rú trong nhà. Người anh của bà nhìn cái nết ông Lạc cũng thích, nên thi thoảng kiếm cớ gọi ông sang nhà cho bà kín đáo quan sát. Năm đó, ông ngoài 20 tuổi.
Nhiều lần lui tới, nhìn thấy ông bà cũng mến. Mến luôn cả cái nết chịu khó ham làm, thương cả chuyện thanh niên lo cho mẹ. Thấy bà có vẻ chịu ông Lành, nên anh của bà gặp riêng ông Lành hỏi nửa đùa nửa thật: "Mày chịu em gái tao không? Tao gả cho".
Có vậy thôi, mà thành chồng thành vợ. Rồi ở với nhau suốt từ đó cho đến giờ. Có thể, ngày họ nên duyên, tình yêu là thứ chưa nảy nở. Nhưng, cái thời điểm ấy, mấy ai nói lời yêu. Mến nhau, dạn dĩ lắm thì nói theo kiểu "Tui thương anh" hay "Tui thương em". Cha mẹ hai bên đồng ý, sẽ làm cái lễ dạm nho nhỏ rồi dọn về ở với nhau. Đương nhiên, những gia đình quyền quý thì có thêm nhiều thứ lễ nghi khác. Còn chuyện giai ngẫu của ông bà chỉ có vậy.
Năm 1938, người con trai đầu của ông bà ra đời. Hai năm sau, đến người con trai thứ hai. Liên tiếp trong hai năm 1940, 1941, ông bà lại có thêm hai cô con gái.
Những người con lớn lên, được ông bà dựng vợ gả chồng. Duy có cô con gái thứ ba, ở vậy nuôi cha mẹ. Cô tên Huỳnh Thị Hoa, quen miệng gọi là cô Tư. Năm nay, cô Tư cũng đã ngoài 70 tuổi.
Cô Tư nói, chắc không có duyên phận, nên cứ ở vậy. Dẫu rằng, cô là người được học cao nhất nhà. Trước, cô công tác ở quận 3. Về hưu, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ.
Nghe đoạn đối đáp giữa cô Tư và bà Lành thương lắm. "Nội ơi (cô Tư gọi bà Lành bằng danh xưng này - PV), có chú nhà báo ở Sài Gòn xuống hỏi thăm nội nè". "ờ, biết rồi. Coi lấy nước mời chú uống đi. Ngồi xích lại gần đây nói chuyện, ngồi gì xa vậy Tư?". "Dạ, con ngồi đây nói chuyện cũng được nội. Nội nghe chú hỏi, nhớ gì thì trả lời cho chú, nha". "ờ, biết rồi mà"…
Ngoài 100 tuổi, sức khỏe của ông lẫn bà đều đã yếu, nên tôi nói chuyện với bà trên cái giường bên này, thì ở cái chõng tre bên kia, ông cứ ngóng lên nghe chuyện. Khổ, tai ông hơi lãng, nên thi thoảng lại gắt: "Tư ơi, nói cái gì xàm xàm tai không nghe được gì hết vậy?"… Cả nhà cười ngất.
Sống với nhau gần một thế kỷ ông bà vẫn yêu thương nhau như ngày đầu.

2. Bà, 106 tuổi. Nhìn đẹp lão, da hồng hào. Hôm bà mặc bộ đồ ở nhà bằng vải mỏng, màu hồng nhạt… Nhìn bà "trẻ" hơn số tuổi mà bà đang sở hữu rất nhiều. Cô Tư kể với tôi rằng, gần như cả đời làm vợ, bà chỉ biết vun vén cho gia đình, chăm sóc cho chồng con. Bà đúng nghĩa là người phụ nữ Nam Bộ xưa, ngoài gia đình, mảnh vườn, con gà, láng giềng chòm xóm... bà ít để ý đến những chuyện khác.
Tính ông hiền, nhưng có chút gia trưởng, bà chịu hết. Nói như những hôm xưa thì, lỡ thương rồi, biết là làm sao. Mà tình thật, thì dẫu có gia trưởng ông cũng chỉ gắt bà câu này câu kia mỗi khi không bằng lòng chuyện gì đó, chứ trong nhà có khi nào xảy ra chuyện lục đục.
ông, 110 tuổi. Đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người đàn ông cao tuổi nhất Việt Nam. ông có lối suy nghĩ rất tân thời từ nhiều năm trước. Ngay cả khi loạn lạc, ông cũng muốn con cái mình học hành đến nơi đến chốn. Nhà có mỗi cô Tư là mê nghiệp sách đèn, ông dồn hết sức lo cho cô học.
Ngày trước, đường sá khó khăn, khu Hóc Môn chỉ có trường cấp II. Nên tốt nghiệp cấp II, cô Tư được ông gửi vào nhà bà con ở khu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh bây giờ) ở trọ theo học cấp III rồi học tiếp Trường Cán sự xã hội. Mỗi cuối tuần, cô Tư ngồi xe ngựa về thăm nhà, rồi bới gạo lên Bà Chiểu trọ học. Cứ như vậy cho đến khi tốt nghiệp Trường Cán sự xã hội.
ông dạy con theo cách của riêng ông. Như cái hồi cô Tư tốt nghiệp, được nhiều lời mời công tác, cùng lúc cô Hiệu trưởng Trường Cán sự xã hội muốn giữ cô Tư ở lại trường. Lương nhà trường không cao bằng lương công ty bên ngoài trả, cô Tư cũng lấn cấn. Về hỏi ông, ông chỉ trả lời: "Cừu nhân ba không sợ bằng ân nhân. Cái nợ lớn nhất là nợ ân tình". Có vậy, cô ở lại trường công tác.
Lần nữa, cách đây vài năm. Con đường đất đỏ trước nhà ông được nâng cấp thành đường nhựa theo mô hình xã hội hóa, chính quyền và người dân cùng làm. Chính quyền bỏ kinh phí, người dân tình nguyện hiến đất. Số đất nhà ông Lạc hiến cũng tương đối nhiều, những người con của ông có vẻ xót của bởi cái thời tấc đất tấc vàng. ông bảo một câu duy nhất: "Đã có lúc, mình đắp bờ thí nước. Tại sao giờ, mình lại đi tiếc một ít đất để mọi người có được con đường tốt hơn". Vậy là thôi, vui vẻ hiến đất làm đường.
"Đắp bờ", nghĩa là ngày xưa đường sình lầy lội, chủ đất tự nguyện đắp đất theo lối đi thành bờ cao, để mọi người đi lại thuận lợi. "Thí nước", miền Đông và Tây Nam Bộ, trước kia ở chái hiên nhà nào cũng đặt cái lu bằng sành hứng đầy nước, đặt thêm cái gáo dừa để ai nhỡ đường, khát nước thì cứ vào mà uống. Thời còn bé ở quê, tôi toàn giải khát bằng kiểu uống nước thí này.
Năm 1998, không hiểu sao cả ông và bà lần lượt ngã bệnh. Bác sĩ chẩn đoán ông bị khối u ngay thắt lưng. Còn bà có khối u gần trực tràng, một dạng ung thư. ông nằm bệnh viện khác, bà nằm bệnh viện khác.
Bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp cho bà để còn hy vọng theo kiểu còn nước còn tát. Trước đó, những người con cháu bà cũng đã bàn đến chuyện hậu sự. Còn vài giờ nữa là bà được chuyển vào phòng phẫu thuật, ê kíp bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cũng đã lên lịch, thì đột nhiên bà tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê. Nhìn lên trần nhà, bả hỏi: "Đây là đâu?". "Dạ, thưa má. Đây là bệnh viện, má bệnh, cần phải mổ ạ", cô Tư đáp. "Thôi, cho má về. ở đây má không quen", bà yêu cầu.
Thương bà, mà khả năng thành công của ca mổ cũng không cao, nên cả nhà hội ý rồi xin bác sĩ cho chuyển bà về với dự định để bà ra đi ngay trong căn nhà mà bà đã sống gần một thế kỷ. Ngờ đâu, về đến nhà, uống thuốc của bác sĩ cho cộng với những toa thuốc Nam, bệnh tình đã dứt hẳn. Bà sống mạnh khỏe cho đến giờ.
Về phần ông, nghe tin bà được về nhà, ông mừng lắm, nằng nặc đòi con cháu đưa về nhà để được nhìn thấy mặt bà. Như là một phép màu, bệnh của ông cũng tự nhiên cứ lùi dần đi rồi hết hẳn.
Nói với cô Tư là những dịp làm lễ thượng thọ cho ông bà, con cái về tham dự chắc đông vui lắm. Cô Tư trả lời, nhà cô kiêng kị nên không làm thượng thọ. Lâu rồi, cô có người bác làm thượng thọ 100 tuổi, vài tháng sau thì bác mất. Rồi người dượng họ được con cháu tổ chức thượng thọ 95 tuổi, ít lâu sau cũng ra đi.
Giờ, thời khóa biểu của hai ông bà được cô Tư quy chuẩn rất chặt chẽ. Sáng, ra ngồi phơi nắng trước hiên nhà, ăn điểm tâm rồi đùa giỡn cùng con cháu. Trưa và chiều, ăn cơm với thịt kho nhiều nước, rau lang hoặc bí luộc mềm, canh súp… Thi thoảng, ông bà còn có thể ăn được cá nướng, thịt cuốn bánh tráng. Đương nhiên, là phải dùng kéo cắt nhỏ thức ăn.
Hỏi cô Tư là ông bà có bí quyết gì để trường thọ không? Cô cười, nói chính cô cũng không biết sao. Vì trước đây, trong gia tộc của cô cũng rất ít người sống thọ. Như ông cố nội cô, sống được ngoài 90. Nhưng ông nội cô Tư, chưa đến 40 tuổi đã mất… Hay như ông bà ngoại của cô, cũng mất khi vừa ngoài 60 tuổi.
3. Người anh lớn của cô Tư có được 9 người con. Người anh kế có 5 người con. Cô em út có 10 người con… Mà anh đầu của cô Tư năm nay cũng ngoài 73 tuổi, cô em út cũng đã 70 nên dâu rể, cháu chắt đã đề huề.
Còn khoảng 4 tháng nữa, cô cháu gái gọi con út của ông bà Lạc là ngoại sẽ sinh con đầu lòng. Như vậy, ông bà Lạc chính thức lên chức xơ. Điều này có nghĩa, ngũ đại đồng đường sống cùng nhau. Một trong những chuyện xưa nay rất hiếm.
Cụ bà Nguyễn Thị Lành và con gái.

Khi mà cô Tư nhờ người cháu trai ẵm bà sang cái chõng tre của ông để chúng tôi ghi hình, vẫn thấy, ông nhìn bà rất âu yếm. Còn bà, cứ đặt bàn tay lên tay ông… Chứng kiến cảnh ấy, bỗng dưng xúc động đến kỳ lạ. Bởi ông bà đã cùng nhau đi qua gần hết thế kỷ, ngọt bùi cay đắng cũng đã nếm đủ cả, giờ vẫn dành được cho nhau sự im lặng của yêu thương.
Người ta thường chúc nhau trong ngày cưới, "Trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê", nhưng lắm khi, có ai biết đến chuyện trăm năm, có ai nghĩ đến ngày bạc đầu.
Hàng loạt vụ án do xung đột giữa vợ chồng xảy ra trong thời gian gần đây, dễ tạo nên một cảm giác bí bách xung quanh chuyện chồng chuyện vợ. Thế nên, chuyện của ông bà là câu chuyện lạ lẫm rất cần thiết.
Phương Tây nói một cách u uất "Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu". Phương Đông nói tếu táo "Trời ơi, tôi có làm gì nên tội mà người yêu của tôi nay lại trở thành vợ tôi". Họ tự nói, tự cười, tự trào phúng, tự khổ đau… Tiền nhân dạy: "Duyên kiếp ba sinh mới thành vợ thành chồng", nghĩa tu ba kiếp, tạo phước ba kiếp mới được gặp nhau mà thành người trăm năm. Thế nhưng, sau phút đì đùng của tiệc cưới, nhiều cặp vợ chồng lại dằn vặt nhau vì những chuyện không đâu. Họ kéo nhau ra tòa bởi những lý do tào lao mà chỉ có kẻ muốn rũ áo là chấp nhận được…
Duy chỉ có tình cảm của hai vợ chồng sống vắt qua thế kỷ trong ngôi nhà có địa chỉ mới ở số 99/1A Khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là vẫn ăm ắp như ngày đầu. Cái ngày mà bà Lành nhìn ông Lạc thấy cũng thương thương.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự hiếu hạnh của cô Tư, người phụ nữ ở vậy lo cho cha mẹ, người được hàng xóm quý đến mức làm cả thơ để tán tụng về sự chí hiếu, như câu thơ của ông Trần Ngọc Minh viết về cô "Để con được kề bên báo hiếu - Hoa quỳnh thất thập cổ lai hy".
"Cô Tư cũng quý như hoa quỳnh vậy, chú hiểu không. Thời mà con cái nghịch thiên hơn thuận thiên, thì người hiếu hạnh như cô Tư còn có mấy, hả chú?", ông Minh nói với tôi.
Có khi, cây lành thì sinh ra quả ngọt chăng(?!). Hay như Phật dạy "Gieo nhân nào gặt quả đó", và ông bà Huỳnh Văn Lạc, Nguyễn Thị Lành đã gieo nhân tốt trong suốt cuộc đời mình…

  Ngô Nguyệt Hữu

2 nhận xét:

  1. Em cũng thích sống lâu lâu một chút, ko cần đến trăm tuổi như ông bà này đâu! Ko phải tham sống, nhưng cứ muốn xem thử thằng con trai của em sau này vợ con nó thế nào! Em ao ước lắm chị ah.

    Trả lờiXóa
  2. Chị cũng không thích sống già quá như 2 cụ này. Già đến thế thì mệt lắm, chị rất sợ mệt và ốm đau. Chị chỉ muốn sống đến 80 tuổi thôi. Vẫn còn minh mẫn và tự phục vụ được, chứ không phải phiền đến con cháu. Em mong được nhìn thấy con dâu và cháu nội thì quá dễ, nhanh lắm em ạ. Năm chị 55 tuổi chị bệnh rất nặng tưởng không qua được. lúc đó 2 đứa con chị còn chưa ra trường và chưa có gia đình. Chị cũng rất tiếc và mong ước như em bây giờ. Bây giờ thì chúng nó đã có gia đình, công việc ổn định, cho chị 2 cháu nội, 2 cháu ngoại rồi. Chị đi lúc nào cũng yên tâm, mong sao đừng ốm đau hoặc sống quá lâu làm phiền cho các con.

    Trả lờiXóa